Tin mới

Hàng không Việt Nam tuyển nhân sự “dễ dãi”?

Thứ ba, 25/11/2014, 14:37 (GMT+7)

Kiểm soát viên không lưu được ví như con mắt của phi công vì huấn lệnh của họ giống như một cái gậy dò đường cho máy bay nên việc một đội ngũ yếu kém tại Công ty Quản lý bay Việt Nam tham gia vào công việc kiểm soát không lưu đang tiềm ẩn nhiều mối nguy khó lường.

 

 

Kiểm soát viên không lưu được ví như con mắt của phi công vì huấn lệnh của họ giống như một cái gậy dò đường cho máy bay nên việc một đội ngũ yếu kém tại Công ty Quản lý bay Việt Nam tham gia vào công việc kiểm soát không lưu đang tiềm ẩn nhiều mối nguy khó lường.

Theo kết quả tự đánh giá nội bộ của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, 40% đội ngũ kiểm soát viên không lưu hiện nay có trình độ trung bình và yếu. Đặc biệt, đối với trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh), 30% nhân viên kiểm soát không lưu không đạt được trình độ tiếng Anh mức level 4 – chuẩn tối thiểu của kiểm soát viên không lưu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế.

Ngoài ra, nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận kiểm soát viên không lưu còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng, sự sống còn của đơn vị trong việc đảm bảo an toàn dẫn đến còn hiện tượng chủ quan, phân tán khi làm nhiệm vụ…

Trạm kiểm soát không lưu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn chuyến bay (Ảnh: Associated Press)

Những con số tự đánh giá trên đã nói lên sự "dễ dãi"của ngành Hàng không Việt Nam trong yêu cầu năng lực của nhân viên điều hành đường bay quốc tế. Trước hết, đó là việc nhân viên không đảm bảo được yêu cầu tối thiểu về ngoại ngữ nhưng vẫn được tuyển dụng. Hai là, mặc dù chất lượng đầu vào thấp, năng lực chuyên môn còn yếu và kém nhưng một lực lượng không nhỏ kiểm soát viên vẫn đang ngày ngày trực tiếp tham gia vào hệ thống vận hành kiểm soát không lưu.

 

Các phi công và nhân viên kiểm soát trên mặt đất phải giao tiếp mạch lạc với nhau để đảm bảo cất cánh, hạ cánh an toàn, vì chỉ với một lỗi nhỏ, mọi chuyện có khả năng diễn biến xấu đi và trở nên nguy hiểm. Chính vì vậy, để một số lượng lớn nhân sự yếu, kém, không đáp ứng được yêu cầu công việc tham gia vào hệ thống vận hành bay sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến các hãng hàng không, gây nguy cơ uy hiếp an toàn bay mà còn ảnh hưởng tới cả uy tín ngành.

 

Đại diện của Tổng Công ty Quản lý bay – Phó Tổng Giám đốc Đoàn Hữu Gia khẳng định, công tác tuyển chọn nhân sự của công ty đều tuân theo quy trình. Nhân viên khi được tuyển dụng đều phải đạt yêu cầu, đáp ứng được năng lực. Tuy nhiên, từ kết quả đánh giá nhân sự trên thì các những phát biểu “đúng quy trình” , “đạt yêu cầu” mà ông Gia đưa ra có độ vênh khá lớn so với thực tế.

Và trong khi an ninh, an toàn luôn được nhấn mạnh là ưu tiên số 1, là điều kiện sống còn cho ngành hàng không thì những bất cập trong chất lượng nhân sự tại Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam khiến không ít người hoài nghi về mức độ an toàn và sự tin cậy đối với ngành hàng không nước nhà.

Theo Vũ Đậu/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news