Tin mới

Hàng xà cừ ven hồ Thủ Lệ có thể được “cứu”?

Thứ năm, 26/03/2015, 14:53 (GMT+7)

Khi dư luận còn đang “nóng” vì vụ việc chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội thì thông tin không hề có chủ trương chặt cây trong kế hoạch thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Nội khiến dư luận càng thêm bất ngờ.

 

 

 

Khi dư luận còn đang “nóng” vì vụ việc chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố của Hà Nội thì thông tin không hề có chủ trương chặt cây trong kế hoạch thi công tuyến đường sắt đô thị Hà Nội khiến dư luận càng thêm bất ngờ.

Điều đáng nói là thông tin này chỉ xuất hiện sau khi ở các tuyến phố của thủ đô - khu vực có đường sắt trên cao (Metro) chạy qua, cây xanh đã được chặt một cách nhanh chóng và gọn ghẽ.

Cách đây 5 tháng,  hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội bị chặt hạ với lý do để phục vụ cho giải phóng mặt bằng thi công tuyến đường sắt trên cao. Hàng trăm cây xanh trên đường Nguyễn Trãi, Bưởi, Cổ Nhuế, Tây Tựu, Giảng Võ, Cầu Giấy… đã phải nằm trong danh sách cây bị hạ.

Thời điểm đó, chính quyền cho biết chặt cây là việc không hề mong muốn nhưng vẫn phải tiến hành vì liên quan tới quy hoạch kiến thiết hạ tầng của thủ đô. Vậy nên, phản ứng duy nhất mà những cư dân Hà Nội là bày tỏ sự tiếc nuối đối với những hàng cây đã từng nhiều năm gắn bó với nhịp sống của thành phố.

Và mãi đến hôm  khi Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp – GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng tiết lộ chuyện Hội đồng Thẩm định đánh giá tác động môi trường đường sắt trên cao hoàn toàn không có một câu nào trình bày của chủ dự án và tư vấn là sẽ phải chặt cây thì mọi người ai nấy đều bất ngờ.

Hàng xà cừ cổ thụ ven hồ Thủ Lệ liệu có được "cứu nguy" khỏi chiến dịch

chặt hạ cây xanh phục vụ xây dựng ga Metro?

Theo thông tin từ GS. Đăng, trường hợp quá trình thi công, vận hành không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đầu tiên thì phải làm báo cáo đánh giá tác động bổ sung và báo cáo đấy cũng phải được thông qua Hội đồng. Sau đó có quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới được chặt cây. “Hoàn toàn không có chuyện chặt cây, không có thông qua chủ trương đó. Trong lúc thi công  đường sắt đô thị, tự nhiên Sở Xây dựng đưa ra chủ trương chặt hết đi, chả có xin phép ai cả, chả có làm gì cả.” – GS nhận định.

Và theo quy định, muốn cấp giấy phép chặt cây phải có hồ sơ trình lên từng cây một. Nghĩa là cây đó phải được chụp ảnh hiện trạng, phải có địa chỉ ở đâu và lý do vì sao phải chặt. Trong khi đó, Sở Xây dựng chỉ có công văn nhưng lại cho chặt cây ồ ạt với số lượng lớn, và tiến hành triệt hạ cây xanh trong thành phố giống như một chiến dịch.

Trước đó, từ tháng 11/2014, cạnh khu nhà ga chính (depot) của tuyến metro; đoạn từ Nhổn đến ga S8 (trạm trung chuyển Cầu Giấy);  Đoạn nhà ga số 9 (Kim Mã - ga Hà Nội), việc xử lý chặt hạ cây xanh đã được “hoàn tất về cơ bản”. Và theo kế hoạch, số phận của 30 cây xà cừ cổ thụ ven hồ Thủ Lệ cũng sẽ được định đoạt với lý do giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị số 3 (tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội) và hai nhà ga số 8 (khu vực trước cổng Đại học Giao thông Vận tải) và ga trên cao đoạn qua khách sạn Deawoo.

Và theo khẳng định của ông Lê Huy Hoàng, phó Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội thì thành phố đã xem xét, cân nhắc rất kỹ các phương án, nhưng vẫn phải đốn hạ những cây này. Tuy nhiên, theo phân tích của Luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội) thì đối với đường Nguyễn Trãi, đúng ra theo luật nếu có phải di dời thì cùng lắm chỉ có những cây dưới công trình, còn những cây xà cừ bên cạnh thì không theo luật. “Hơn nữa, công trình đường sắt trên cao tại sao lại chặt hạ ngay, trong khi công trình tàu điện trên cao mấy năm nữa mới xong. Vội vàng chặt trước không hiểu để làm cái gì” – Luật sư Hải nhấn mạnh.

Và sau khi có thông tin hoàn toàn không có kế hoạch chặt cây khi thi công Metro; cộng với cách thức làm việc không tuân theo quy trình của các cơ quan chức năng thành phố khi thực hiện Đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận, người dân mong cơ quan chức năng vào cuộc và điều tra nghiêm túc về vụ việc. Theo đó, các cá nhân, tập thể sai phạm trong vụ chặt cây sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, đồng thời dư luận bày tỏ hy vọng hàng cây cổ thụ ven hồ Thủ Lệ sẽ được “cứu nguy” khỏi lý do phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến Metro như đã được đưa ra trước đó.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news