Giá vé máy bay Tết tăng từng ngày
Ghi nhận của VTV, trên các kênh bán vé online của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways…, giá vé khứ hồi các chặng đi và đến từ Tp.HCM trong dịp Tết Nguyên đán từ ngày 20/1/2023 (tức 29 Tết) đến 26/1 (mùng 5 Tết) đang ở mức cao, bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Giá một cặp vé khứ hồi chặng bay về Hà Nội trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết và quay trở lại Tp.HCM vào ngày cuối cùng đang ở mức 6,5 - 7 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines; bay Vietjet hay Bamboo Airways cũng khoảng trên dưới 5,5 triệu đồng.
Hành khách chọn bay sớm khung giờ từ 5h30 hoặc 23h, giá vé khứ hồi thấp nhất (gồm thuế phí) của Vietjet 5,3 triệu đồng, Vietnam Airlines từ 6 - 7 triệu đồng, thậm chí có những khung giờ đã hết hạng vé tiết kiệm. Giá vé của Bamboo Airways, Vietravel Airlines cũng đều trên mức 6 triệu đồng cho hành trình khứ hồi ở cùng thời điểm.
Các đường bay đến Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa dịp Tết đã bắt đầu khan hiếm, vì số chuyến bay ít, nhu cầu cao, khiến giá vé luôn bị đẩy lên.
Thông tin với Tuổi Trẻ Online, chị Nguyễn Xuân (quê Thanh Hóa, làm việc tại Tp.HCM) cho biết, sau khi lên mạng tìm mua vé máy bay về Tết, chị đã "choáng" bởi giá vé quá cao và khan hiếm, không chỉ chặng bay Thanh Hóa mà chặng bay đi Nghệ An, Quảng Bình... trong khoảng thời gian từ 16/1 đến 27/1 (25 tháng Chạp đến 6 tháng Giêng).
Chẳng hạn, với chặng TP.HCM - Thanh Hóa dịp trước Tết, giá vé thấp nhất của Vietnam Airlines là 3,5 triệu đồng/vé một chiều nhưng đã "hết vé" hạng phổ thông từ ngày 17/1 đến 19/1, chỉ còn hạng thương gia 5,6 triệu đồng/vé.
Tương tự, giá vé bay Vietjet và Bamboo Airways từ 2,8 - 3,2 triệu đồng/vé. Nếu mua hành trình khứ hồi, ít nhất tốn 5 - 7 triệu đồng. "Mua trước giá vé vẫn cao, chưa kể ít chuyến bay nữa. Nhìn giá choáng luôn", chị Xuân than thở. Theo các đại lý bán vé, giá vé Tết Quý Mão 2023 tăng khoảng 5 - 10% so với năm 2021.
Chuyên gia thương mại của một hãng bay cho hay, các đường bay tỉnh giá vé thường neo ở mức cao do nhu cầu khách đi lại luôn đứng tốp đầu trong dịp Tết. Hiện, nhiều hãng vẫn còn máy bay nằm bãi, hoạt động luân phiên. Vị này đánh giá các hãng sẽ tăng tải vào thời gian tới, vé sẽ có thay đổi với mức giá "mềm" hơn.
Về nghi vấn các hãng bay "nhìn nhau cùng tăng giá", vị này cho rằng điều này rất khó xảy ra. Giá vé hiện nay theo cung cầu của thị trường và theo quy định khung giá trần.
Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn cho rằng thị trường có 6 hãng thương mại (Vietnam Airlines, Vietjet, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Vasco) nhưng giá vé không cạnh tranh, thậm chí nhiều người nghi vấn các hãng "nhìn nhau cùng tăng giá". Bởi nếu khảo sát giá, giá vé máy bay dịp Tết của các hãng vẫn luôn giữ chênh lệch 200.000 - 400.000 đồng/vé ở nhiều chặng bay.
Trong khi đó, theo Vietnam Airlines, hãng đã mở bán vé Tết từ 15/8 và lượng vé khách đặt mua về Tết tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Có thời điểm lượng vé bán ra tuần sau cao hơn tuần liền trước tới 50%.
Một hãng hàng không cho hay, sắp tới, các hãng tăng tải sẽ thêm dải vé phù hợp để khách hàng chọn mua. Vậy nên mua vé sớm hay chờ mua sát ngày bay? Vị này cho biết, biến động giá vé khó dự đoán và do thị trường quyết định. Với những đường bay tỉnh, do số chuyến ít, giá vé dịp Tết luôn ở mức cao nên việc chờ vé rẻ hơn khó khả thi. Còn với đường bay trục Tp.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội, vị này đánh giá khi các hãng tăng tải thì giá vé có khả năng sẽ được điều chỉnh để cân bằng cung - cầu.
Bay vòng sang Thái Lan liệu có rẻ hơn?
Trước tình trạng vé máy bay nội địa tăng mạnh, nhiều hành khách "mách nước" cách bay vòng sang Thái Lan rồi bay về lại Hà Nội, Tp.HCM vì cho rằng bay kiểu này giá vẫn rẻ hơn mua vé bay thẳng nội địa.
Chị Thùy Chi (32 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết, giá vé máy bay dịp Tết tăng từng ngày, dù mua sớm 2 tháng vẫn không có vé rẻ.
Cả ba hãng bay Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, giá vé chặng Tp.HCM - Hà Nội giai đoạn 25 - 29 tháng Chạp có giá 3,2 - 3,5 triệu đồng/vé. Chị Thùy Chi cho biết, nhóm bạn rủ nhau săn vé hành trình về quê ăn Tết năm nay khác lạ là bay từ Tp.HCM qua Thái Lan rồi nối chuyến về Hà Nội.
Giá vé khảo sát ngày 17/1 (26 tháng Chạp) chặng Tp.HCM - Suvarnabhumi (Thái Lan) của Vietjet là 1,6 triệu đồng/vé với khung giờ sáng. Nếu bay chuyến này rồi đáp chặng bay nối chuyến về đến Hà Nội (khởi hành vào 15h) giá là 1,5 triệu đồng/vé. Như vậy, tổng cộng giá vé cho Tp.HCM - Bangkok - Hà Nội là 3,1 triệu đồng (bao gồm thuế, phí). Trong khi đó, cùng ngày, chặng bay thẳng Tp.HCM - Hà Nội giá vé 3,2 - 3,5 triệu đồng/vé (bao gồm thuế phí) với hàng chục chuyến bay mỗi ngày.
Như vậy, nếu bay vòng qua Thái Lan, khách hàng sẽ rẻ hơn được 100.000 - 400.000 đồng/vé. Một số bạn trẻ cho hay, đây cũng là cơ hội để du ngoạn Thái Lan vài tiếng (hoặc dài hơn, tùy chọn được chuyến bay), rồi tiện thể mua quà Tết về quê.
Về vấn đề này, đại diện một hãng bay cho biết, việc bay vòng qua Thái Lan trong dịp Tết vì muốn tiết kiệm chi phí vẫn có người đi, song không đại trà. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi cách này vì thời gian bay kéo dài, vé không phải lúc nào cũng rẻ hơn, có thể phải tốn thêm tiền ăn uống, tiêu pha ở sân bay Thái Lan. Chưa kể chẳng may trục trặc chuyến bay, hành trình về Tết sẽ thêm rắc rối.
Anh Duy Trường, một chuyên viên lập trình công ty nước ngoài, cho rằng bay vòng qua Thái Lan chủ yếu trải nghiệm là chính, chứ giá giảm không đáng kể. Hơn thua là ở thời điểm cận Tết, ga đi quốc tế vắng vẻ, làm thủ tục check-in nhanh, khu xuất cảnh cũng ít người hơn nên đỡ mệt mỏi.
Lý giải về việc giá vé cận Tết bay sang Thái Lan khá rẻ, một tổng đại lý bán vé máy bay với hơn 10 hãng bay quốc tế cho biết, yếu tố giá tăng giảm là do nhu cầu của thị trường. Bởi thời điểm gần Tết ai cũng tranh thủ về đón Tết, ít đi du lịch. Nhu cầu đi lại chặng Tp.HCM - Thái Lan hay Thái Lan - Hà Nội xuống thấp, hãng hàng không hạ giá bán để "vợt" khách. Còn việc đi vòng qua Thái Lan để tiết kiệm chi phí thì sao? "Nếu khách qua Thái Lan chơi 1, 2 ngày rồi bay nối chuyến về Hà Nội có vẻ hợp lý. Còn đi vòng để tiết kiệm chi phí, theo tôi, chỉ là phần nhỏ vì kéo dài thời gian", vị này cho hay.
Trong khi đó, một nhân viên đại lý vé máy bay cho biết, vào những ngày cao điểm Tết, các hãng hàng không đều phải giải quyết bài toán chi phí cho các chuyến bay "lệch đầu", có một chiều bay khách có nhu cầu lớn, ngược lại có chiều bay nhu cầu thấp, nên mức giá tăng cao hơn thường lệ để đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay "rỗng" hoặc không đủ khách. Thông thường vào dịp giáp Tết, vé máy bay sẽ tăng cao chiều từ Nam ra Bắc và ngược lại những ngày sau Tết sẽ "sốt" vé chiều từ Bắc vào Nam. Do đó, nếu có điều kiện về thời gian, hành khách có thể lùi ngày bay qua những ngày cao điểm Tết để có vé rẻ, thậm chí vé giá 0 đồng luôn có nhiều.