Liên quan đến vụ "hố chôn tập thể" ở Khánh Hòa, người dân ở khu vực nhận định "các bộ hài cốt này không theo trật tự nên có khả năng là hố chôn tập thể từ rất lâu. Cách khu vực này khoảng 2 km, trước đây có 3 lô cốt của Pháp để lại, do đó có thể hố chôn này có từ thời Pháp thuộc".
Trao đổi trên báo Người Lao Động, ông Đặng Sĩ (62 tuổi, sống ở phường Ba Ngòi từ năm 1965), người trực tiếp cất bốc các hài cốt này, cho biết đa số là nam giới, không thấy trẻ em. Từ năm 1965, khi ông đến đây ở, khu vực gần suối là rừng ngập mặn, phía trên là rừng nghèo, không có người sinh sống.
“Tôi cũng chưa từng nghe thấy có chiến sự gì xảy ra ở đây. Các bộ hài cốt này không theo trật tự nên có khả năng là hố chôn tập thể từ rất lâu. Cách khu vực này khoảng 2 km, trước đây có 3 lô cốt của Pháp để lại, do đó có thể hố chôn này có từ thời Pháp thuộc” - ông Sĩ phỏng đoán.
Ông Sĩ cho biết thêm "Hồi trước, tôi cũng từng nghe nói quân Pháp cũng từng chôn Việt Minh tập thể ở vùng chùa Hìm, Đông Hòa, Phú Yên".
"Hố chôn tập thể" ở Khánh Hòa có thể từ thời Pháp thuộc (Ảnh báo Khánh Hòa)
Trong khi đó, trả lời trên báo Dantri, ông Nguyễn Văn Xê (tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa, nơi phát hiện "hố chôn tập thể" ). kể lại, cha của ông gốc gác ở Phú Yên, vào Cam Ranh mưu sinh, lập nghiệp và khai phá mảnh đất này vào năm 1966. Kể từ đó trở đi, ông không hề chứng kiến bất kỳ biến cố nào xảy ra trong làng hoặc vùng phụ cận, giáp ranh. Như vậy hố chôn người vừa phát hiện chắc chắn phải có từ trước lúc cha ông Xê tới đây.
Lớn lên, ông Xê được thừa kế đất đai, nhà cửa của cha và anh. Khi đào móng làm nhà vào năm 2009 không phát hiện điều gì bất thường.
Liên quan đến vụ việc, sáng ngày 19/1, Ban Chỉ huy quân sự TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy, UBND TP.Cam Ranh để họp bàn về việc xác minh lai lịch các bộ hài cốt đã được phát hiện trong vườn nhà một người dân ở tổ dân phố Trà Long 2, phường Ba Ngòi, TP.Cam Ranh.
Theo đó, Thành ủy Cam Ranh chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự TP.Cam Ranh, Phòng Lao động, thương binh và xã hội báo cáo lại toàn bộ nội dung về vụ việc. Trong đó, cơ quan quân sự cần báo cáo cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa để tra cứu, giải mã các ký hiệu đơn vị quân đội, các trận đánh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở khu vực phát hiện các bộ hài cốt… nhằm xác minh lai lịch các bộ hài cốt.
H.Nguyên (tổng hợp)