Theo Zingnews và VnExpress, sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm 22/6, EVN sẽ lập đoàn công tác để kiểm tra.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN làm rõ thông tin người dân phản ánh hóa đơn tiền điện cao bất thường. Ảnh: Internet
Đoàn công tác có sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.
Ngoài ra, các khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề sẽ được thực hiện phúc tra 100%.
Về sự việc hai khách hàng tại Quảng Bình và Quảng Ninh bị ghi sai chỉ số khiến số tiền điện tăng cao gấp hàng chục lần, EVN cũng cho biết đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các tổng công ty điện lực.
Bà Đào Thị Gái ở Hạ Long, Vân Đồn (Quảng Ninh) bị tính sai số tiền điện lên tới 90 triệu đồng. Ảnh: Internet
EVN khẳng định, đây là sai sót cá nhân. Hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của tập đoàn hiện vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả, giảm thiểu sai sót, can thiệp của con người.
Tuy nhiên, tập đoàn đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực kiểm điểm, xử lý kỷ luật Giám đốc đơn vị, cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ...
EVN cũng nhấn mạnh, công tơ điện đang lắp đặt cho khách hàng được kiểm định đạt tiêu chuẩn của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục công khai thông báo lịch ghi chỉ số qua email, ứng dụng (App) chăm sóc khách hàng... để người dùng điện chủ động theo dõi, giám sát.
Theo số liệu được tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp, tình hình tiêu thụ điện trong tháng 6 dự kiến sẽ tăng cao hơn. Điều này là do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài khiến mức điện tiêu thụ của khách hàng tăng mạnh so với tháng 5.
Số liệu thống kê của EVN, đến 20/6, đã có hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (gần 28%) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5. Khoảng 4,4 triệu khách hàng có mức dùng điện cao hơn 50% và 326.000 khách hàng dùng điện tăng trên 300% so với tháng 5.
Trong tháng 6, số khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% là 7,22 triệu người. Con số này ở tháng 5 là 3,1 triệu người. Nguồn dữ liệu: EVN.
"Dự kiến kỳ hoá đơn tháng 6 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến lượng tiêu thụ điện tăng mạnh", EVN dự báo.
Theo EVN, một hộ gia đình có mức tiêu thụ điện tháng 4 là 300 kWh sẽ phải thanh toán 688.160 đồng (không tính giảm giá do Covid-19). Nếu sang tháng 5, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20% (360 kWh), số tiền điện cần thanh toán tăng 27,18% lên 875.204 đồng.
Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 50% (450 kWh), số tiền điện thanh toán sẽ là 1,16 triệu đồng, tăng 68,69% so với tháng 5. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán tăng 138,87% lên 1,64 triệu đồng.