Tin mới

Hoa giấy bị rệp sáp, đừng nghĩ đến thuốc trừ sâu mà hãy thử ngay những loại 'thuốc' sẵn trong bếp này

Thứ ba, 11/04/2023, 18:14 (GMT+7)

Rệp sáp là căn bệnh phổ biến nhất mà hoa giấy có thể gặp phải. Trước khi nghĩ đến những biện pháp hóa học, bạn đừng bỏ qua một số chất diệt rệp sáp có sẵn trong nhà.

Hoa giấy là loại cây trồng làm cảnh phổ biến trên khắp thế giới, với những bông hoa lớn màu hồng (phổ biến), tím, màu oải hương nhạt, đỏ hoặc trắng. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có thể cho hoa gần như quanh năm. Không những vậy, hoa giấy còn có thể trồng leo giàn, tạo thế bonsai vô cùng phong phú.

Khi hoa giấy được trồng trong nhà, vấn đề phổ biến nhất cây gặp phải là rệp sáp. Để xử lý vấn đề này, bạn có thể tham khảo một số cách sau đây:

1. Nhận diện bệnh rệp sáp trên hoa giấy

Rệp sáp là loài côn trùng nhỏ hình bầu dục, được tìm thấy chủ yếu trong môi trường ấm áp và ẩm ướt. Chúng thường xuất hiện trên những cây trồng trong nhà và cây cận nhiệt đới.

Rệp sáp rất nhỏ, thường được phát hiện ở dưới lá và thân cây trồng.
Rệp sáp rất nhỏ, thường được phát hiện ở dưới lá và thân cây trồng.

Giống như hầu hết các loài gây hại thực vật, rệp sáp rất nhỏ và đôi khi không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những loài gây hại này sẽ phá hoại hầu hết các bộ phận của cây, nhưng chúng thường được tìm thấy ở mặt dưới của lá và thân. Chúng di chuyển rất chậm, nhưng khi đã tìm được nơi thích hợp để kiếm ăn và sinh sản, chúng sẽ ở lại đó, tạo thành cụm sâu hại. 

Rệp sáp nhân lên rất nhanh, con cái đẻ từ 300-600 trứng trong lớp sáp ở mặt dưới của lá. Chúng dễ dàng lây lan từ cây này sang cây khác, lưu truyền trong không khí hoặc nhờ sự giúp đỡ của loài kiến, của nông dân và nông cụ.

2. Cách nhận biết sự phá hoại của rệp sáp trên hoa giấy

Thứ nhất, lá và thân cây hoa giấy sẽ được bao phủ bởi chất sáp. Rệp sáp sẽ tiết ra chất này khi hút chất dinh dưỡng từ lá cây. 

Thứ hai, lá cây hoa giấy sẽ bị vàng và héo úa, sau đó rụng. Mặc dù tổn thương lá có thể do các yếu tố khác gây ra nhưng đây là một trong những dấu hiệu chính khi hoa giấy bị rệp sáp.

Khi bị rệp sáp thì lá, hoa của cây hoa giấy sẽ vàng, héo úa.
Khi bị rệp sáp thì lá, hoa của cây hoa giấy sẽ vàng, héo úa.

Thứ ba, rệp sáp cũng gây ra sự phát triển của nấm mốc và thu hút các loài gây hại khác nhờ chất sáp tiết ra.

Thứ tư, khi bị rệp sáp, hoa giấy sẽ bị cạn kiệt chất dinh dưỡng, trở nên tàn dần. Nếu cây của bạn đang rơi vào tình trạng này thì hãy kiểm tra ngay mặt dưới của lá.

3. Cách trị rệp sáp cho hoa giấy

Có rất nhiều biện pháp tự nhiên trị rệp sáp cho hoa giấy mà bạn có thể tìm thấy trong nhà mình.

Thứ nhất, làm sạch hoặc tỉa lá bị nhiễm bệnh. Đây là bước đầu tiên để loại bỏ loài gây hại này.

Thứ hai, sử dụng dầu Neem, xà phòng để làm nên điều kỳ diệu. Hãy trộn một thìa rưỡi dầu Neem với một thìa nước rửa chén và 1 lít nước ấm. Xịt dung dịch này lên cây hoa giấy bị bệnh và theo dõi sự tiến triển mỗi ngày.

Thứ ba, sử dụng xà phòng để trị bệnh. Trộn một thìa xà phòng trong 2 lít nước, phun lên cây hoa giấy nhiễm bệnh. Bạn nên chọn xà phòng không mùi, không chất phụ gia vì xà phòng thơm và mạnh có thể gây hại cho cây.

Cây hoa giấy khỏe mạnh nở hoa rất đẹp.
Cây hoa giấy khỏe mạnh nở hoa rất đẹp.

Thứ tư, dùng cồn để làm sạch vùng bị rệp. Bạn có thể dùng tăm bông nhúng cồn để rửa sạch vùng cây bị rệp sáp. Ngoài ra, có thể pha hỗn hợp gồm 3 cốc rượu, 3 cốc nước, một thìa xà phòng sau đó phun lên cây hoa giấy bị bệnh.

Thứ năm, sử dụng giấm táo để trị rệp. Một phần giấm táo pha với 4 phần nước sẽ cho ra dung dịch trị rệp sáp hiệu quả. Nếu dùng giấm táo đặc phun lên cây có thể gây hại cho cây.

Thứ sáu, bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu như bạc hà, dầu cam quýt, dầu cỏ xạ hương. Hãy kết hợp 12 giọt tinh dầu với một cốc nước rồi vẩy lên chỗ hoa giấy bị bệnh để thấy điều kỳ diệu.

(Ảnh minh họa: Internet)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: rệp sáp hoa giấy