Tin mới

Bi kịch của vị hoàng hậu xấu xí, khiến hoàng đế nhà Thanh bật khóc giữa đêm tân hôn

Thứ ba, 11/04/2023, 17:20 (GMT+7)

Vị hoàng hậu do đích thân Từ Hi Thái hậu chọn lựa đã khiến hoàng đế Quang Tự bật khóc giữa đêm tân hôn, cầu xin bà một điều.

Vào năm Quang Tự thứ 14 (1888), Hoàng đế Quang Tự khi ấy đã 18 tuổi nhưng vẫn chưa thành thân. Theo phong tục Mãn Châu, Quang Tự được coi là kết hôn muộn và nguyên nhân bắt nguồn từ Từ Hi Thái hậu. Vào thời điểm đó, Từ Hi đang ở đỉnh cao quyền lực, bà sợ rằng cuộc hôn nhân của Hoàng đế Quang Tự sẽ đặt dấu chấm hết cho việc bà ngồi sau rèm nhiếp chính. Vì vậy, Từ Hi hết lần này đến lần khác tìm cách trì hoãn chuyện hôn sự của hoàng đế.

Nhưng sau 14 năm chờ đợi, Từ Hi cuối cùng vẫn phải ban sắc lệnh để Quang Tự kết hôn. Hoàng đế vô cùng phấn khích, lập tức ban chiếu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với thái hậu. Tuy nhiên, một người thèm khát quyền lực như Từ HI liệu có để Quang Tự được hả hê?

Từ Hi Thái hậu (ở giữa), Long Dụ Hoàng hậu (ngoài cùng bên phải) và Cẩn Phi (ngoài cùng bên trái).
Từ Hi Thái hậu (ở giữa), Long Dụ Hoàng hậu (ngoài cùng bên phải) và Cẩn Phi (ngoài cùng bên trái).

Dưới sự chỉ đạo của Từ Hi, triều đình nhà Thanh đã chọn ra được 5 ứng cử viên, trong đó có cháu gái của Từ Hi là Diệp Hách Na Lạp Thị, hai người con gái của Tuần phủ Giang Tây Đức Hinh, hai người con gái của Thị Lang Trường Tự.

Vào thời điểm đó, Từ Hi sắp xếp để hoàng đế xem mặt 5 cô gái. Người đi đầu là Diệp Hách Na Lạp Thị, người đứng cạnh chính là Trân Phi sau này. Ban đầu, Quang Tự tiến đến phía Trân Phi, muốn chọn cô làm hoàng hậu. Không ngờ, Từ Hi Thái hậu đột nhiên gằn giọng "Hoàng thượng!" rồi hất cằm về phía Diệp Hách Na Lạp Thị. Dù không muốn nhưng chẳng thể làm trái ý Từ Hi, cuối cùng Quang Tự phải chọn cháu gái bà lên làm hoàng hậu.

Theo quan điểm của Từ Hi, để cháu gái mình kết hôn với Quang Tự có thể củng cố dòng dõi gia đình Diệp Hách Na Lạp trong hoàng tộc, củng cố địa vị của mình. Đồng thời, Từ Hi hy vọng có thể dùng cháu gái để gây ảnh hưởng và giám sát Quang Tự nhằm đạt được mục đích nắm quyền.

Ngày 27 tháng Giêng năm Quang Tự thứ 15 (26/2/1889), hôn lễ của Quang Tự chính thức được cử hành. Không ngờ, một tháng trước hôn lễ, Tử Cấm Thành xảy ra một trận hỏa hoạn kỳ lạ, thiêu rụi Thái Hòa Môn. Theo thông lệ tổ tiên nhà Thanh, khi hoàng đế kết hôn, hoàng hậu phải ngồi trên kiệu, đi qua Thiên An Môn, sau đó đi qua Thái Hòa Môn để vào cung điện bên trong. Giờ đây, Thái Hòa Môn bị cháy, hoàng hậu sẽ không có cổng thứ hai để đi qua. Tuy nhiên, ngày cưới của hoàng đế không thể tùy tiện thay đổi nên Từ Hi Thái hậu chỉ có thể cắn răng tiếp tục cho tổ chức.

Long Dụ Hoàng hậu là người kém sắc, lưng gù, không được vua Quang Tự sủng hạnh.
Long Dụ Hoàng hậu là người kém sắc, lưng gù, không được vua Quang Tự sủng hạnh.

Vào ngày cưới, hoàng hậu Long Dụ đi qua Thần Vũ Môn để vào cung. Tuy nhiên, đúng đêm tân hôn, một sự việc đáng xấu hổ đã xảy ra. Hoàng đế Quang Tự đã từ chối đại hôn với Hoàng hậu Long Dụ vì bà quá xấu.

Lịch sử ghi nhận Hoàng hậu Long Dụ là người phụ nữ xấu xí. Bà có khuôn mặt dài giống như trái ô liu, cơ thể gầy như cây sào tre, lưng gù nên tư thế đi lại xấu xí. Người dân thành Bắc Kinh khi ấy bàn tán, nói rằng bà không giống mẫu quốc Đại Thanh, không xứng với Quang Tự điển trai. Trong phòng tân hôn, Quang Tự nhìn Long Dụ đã phải bật khóc cầu xin: "Chúng ta trở lại làm anh em đi". Long Dụ không biết phải làm sao, hai người cứ ngồi vậy cả đêm, không có chuyện gì xảy ra.

Sau hôn lễ, Hoàng đế Quang Tự chỉ sủng ái Trân Phi, mối quan hệ với Long Dụ ngày càng tệ đi. Hoàng hậu không chỉ xấu xí mà có thể là công cụ bí mật của Từ Hi, vì vậy hoàng đế càng ra sức đề phòng.

Diện mạo điển trai của Hoàng đế Quang Tự.
Diện mạo điển trai của Hoàng đế Quang Tự.

Bi kịch hơn, Long Dụ không chỉ bị chồng ghét mà ngay cả Từ Hi cũng không ưa cô cháu gái này. Vào năm 1901, để lấy lòng hoàng đế, Long Dụ đã ra lệnh ngừng tổ chức sinh nhật cho mình để tiết kiệm tiền. Động thái này khiến nhà vua hài lòng nhưng Từ Hi lại khó chịu. Bà vốn là một người thích phô trương, Long Dụ giờ tạo ra tiền lệ này thì tương lai thái hậu làm sao tổ chức sinh nhật hoành tráng?

Một lão thái giám am hiểu chuyện nội cung từng nhớ lại: "Long Dụ hoàng hậu luôn tỏ ra là một cô con dâu nhỏ trước mặt thái hậu. Các phi tần và công chúa đều rất tùy tiện. Sau khi dùng bữa xong, Long Dụ liền trở về phòng ngủ một mình. Phòng của bà giống như một cung điện lạnh lẽo". Từ đó có thể thấy quan hệ cô cháu giữa Từ Hi và Long Dụ rất lạnh nhạt.

Sau khi vua Quang Tự và Từ Hi liên tiếp qua đời, Long Dụ lên nắm quyền trên danh nghĩa, nhưng bà biết bản thân không được lòng người trong cung. Bản thân bà ngoại hình xấu xí, tư chất lãnh đạo cũng không thể bằng Từ Hi. Vì vậy, ngay sau khi hoàng đế Phổ Nghi thoái vị, Thái hậu Long Dụ cũng qua đời vì lo lắng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news