Vào ngày bắt đầu của mùa Xuân, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, ai cũng mong muốn cho đầu xuôi, đuôi lọt, mong sao cho 4 mùa 8 tiết được "cát bảo Bình An".
3 ngày Tết là 3 ngày ăn ngon nhất, mặc đẹp nhất, thanh thản nhất
Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi trời đất chuyển giao từ mùa Đông sang mùa Xuân, người ta gọi là "giao thời".
Tuy nhiên sau nay, chữ "thời" bị phạm húy của các vị vua chúa nên đổi thành chữ "thừa" và giờ đây ta hay gọi là "Giao thừa".
"Ngày hôm nay, trước 5h sáng là mùa Đông của năm Đinh Dậu, sau 5h sáng là mùa Xuân của năm Mậu Tuất.
Từ tiết Đông chuyển sang tiết Xuân gọi là Tết, vậy nên nếu đúng theo đất trời, hôm nay là ngày Tết, và lúc 5h sáng chính là lúc giao thừa", Hòa thượng Bảo Nghiêm nói.
Theo Hòa thượng Bảo Nghiêm, theo quan niệm dân gian và truyền thống của dân tộc, trong 5 thứ Phúc, Lộc, Thọ, Khanh, Ninh thì chữ Thọ quan trọng nhất.
Vào ngày bắt đầu của mùa Xuân, theo Hòa thượng, ai cũng mong muốn cho đầu xuôi, đuôi lọt, mong sao cho 4 mùa 8 tiết được "cát bảo bình an".
Trong 3 ngày Tết cũng là 3 ngày ăn ngon nhất, mặc đẹp nhất, thanh thản nhất, nói năng nhẹ nhàng nhất, cây cối chăm sóc để đẹp nhất, rồi đến con vật nuôi trong nhà cũng được ăn ngon nhất.
Ai cũng mong từ đó, cả năm 364 ngày tiếp theo cũng được ăn ngon, mặc đẹp, thanh thản, tốt tươi. Bởi vậy cho nên "Tứ thời, Xuân đại thủ".
"Trong Phật giáo, Thọ mạng lâu dài cho ông bà, bố mẹ là một phước báo lớn nhất. Người Việt của chúng ta cũng gặp cùng quan điểm đó. "Ngũ phúc, Thọ vi tiên". Ai sống thọ chính là được lộc trời ban cho được sống lâu nên năm mới, lời chúc các cụ, ông bà, bố mẹ đầu tiên bao giờ cũng là lời chúc cho mọi người được mạnh khỏe, trường thọ.
Nếu vừa được trời ban sống lâu, còn được sống vui, sống khỏe, sống minh mẫn, đó là phúc đức lớn nhất của con người", Hòa thượng Bảo Nghiêm chia sẻ.
Mùng 1 Tết gắn với ngày vía Đức Phật Di Lặc
Theo Hòa thượng, khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các bậc tổ sư đã khéo léo vận dụng tư tưởng của Phật giáo vào tín ngưỡng dân gian.
Cụ thể, ngày mùng 1 Tết là ngày vía của Đức Phật tương lai – Phật Di Lặc và năm mới, báo hiệu cho tương lai, báo hiệu cho sự tốt đẹp thì Phật Di Lặc cũng báo hiệu cho sự an vui và may mắn.
Hình tượng của Phật Di Lặc được tạc ở các chùa thường theo hình tướng Ngài đang ngồi, an nhiên, thoải mái, thân béo mập, tâm hồn thanh thản, miệng nở nụ cười tươi tắn. Đây chính là tinh thần của Phật giáo đi vào trong dân tộc.
Và hình tượng Phật Di Lặc trong Phật giáo được dân gian hình tượng hóa thành ông thần Tài. Xuất phát từ điển tích Phật giáo Trung Hoa 1 thời, khi có 1 vị hòa thượng, chuyên đeo 1 túi vải trên vai, đến các nhà giàu có để xin.
Người ta cho gì ngài đều nhận lấy, tiền, vàng, tương, gạo, muối… cho vào túi. Sau đó ngài đi đến các vùng nghèo đói, đổ tất cả ra cho toàn bộ dân nghèo.
Những gia đình giàu có cúng dường Hòa Thượng, nhà nào cũng tự nhiên buôn may bán đắt, nên nhà giàu ngày nào cũng mong Hòa thượng đến nhà để được cúng.
Những người buôn bán từ đó lúc nào cũng nhớ đến vị Hòa thượng béo phệ, mập mạp, đeo chiếc túi vải lớn với nụ cười tươi tắn.
Người ta làm hình tượng của ngài thành vị thần Tài và cầu mong 12 tháng trong năm ngày nào cụ cũng đến nhà để người giàu được buôn may bán đắt, người nghèo có cái ăn.
"Từ câu chuyện đó, chúng ta thấy sự kết hợp giữa Phật giáo và nhân gian, cho nên những người dân nông nghiệp mong chờ các sự kiện của Phật giáo. Tháng Giêng là tháng cầu phúc, cầu cho quốc thái dân an.
Khi người dân vừa cấy hái xong, chưa phải chăm bón nhiều, nhân dân mở hội tế lễ, mang lại sự tươi tắn, sự hòa nhã, sự đoàn kết và hướng tới tương lai của người dân", Hòa thượng nói thêm.