Đề thi môn Văn nhưng chỉ vỏn vẹn 26 chữ và 2 hình vẽ mang tính toán học đã khiến những học sinh dự thi cảm thấy thích thú và đều ủng hộ cách ra đề mới mẻ, thú vị này.
Đề thi nằm trong kỳ thi chung kết giải thưởng Lê Quý Đôn vừa được tổ chức ngày 17/5 ở TP HCM. Sau cuộc thi, một số giáo viên và học sinh chia sẻ ảnh chụp đề thi trên trang cá nhân cùng những dòng status bày tỏ sự thích thú.
Học sinh thích thú đề thi môn Văn bằng hình vẽ toán học |
Đề thi chỉ có 1 câu duy nhất với 2 hình vẽ mang tính Toán học giữa thắc mắc “số 6 hay số 9”, “số 4 hay số 3" rồi yêu cầu viết bài văn với chủ đề “Góc nhìn khác – Suy nghĩ khác”.
Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với đề thi này với cách ra đề mới mẻ và kích thích sự tư duy của người thi.
Chia sẻ trên Vnexpress, một giáo viên dạy Văn của trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cho rằng, giải thưởng Lê Quý Đôn là cuộc thi mang tính học thuật nên đề như vậy là rất hợp lý. Với đề thi này, học sinh không phải học thuộc lòng mà thoải mái bày tỏ quan điểm cá nhân thông qua các trải nghiệm của bản thân. Muốn làm được đề Văn này, học sinh phải có kiến thức xã hội và lối suy nghĩ sâu rộng.
“Sở Giáo dục TP HCM, Bộ Giáo dục nên cải tổ cách ra đề theo hướng mở như thế này để học sinh thể hiện tính sáng tạo, các trường cũng đánh giá đúng được năng lực của học sinh. Cách ra đề phân tích, so sánh, đọc hiểu... như hiện tại chỉ khiến cho học sinh học tủ, nhồi nhét kiến thức chứ không gợi mở được tư duy sáng tạo trong môn Văn”, giáo viên này nói.
Cô Nguyễn Khánh Dương, giáo viên Văn Trường THCS Trường Chinh, Q.Tân Bình, TPHCM cũng có chung đánh giá khi trao đổi trên báo Dân trí: "Đề thi Văn “hình ảnh, con số” này hay, sáng tạo, đánh giá được năng lực của học sinh, đặc biệt là học sinh khá giỏi. Đề bài nhìn đơn giản nhưng yêu cầu học sinh phải tư duy sâu, nghĩ rộng”.
Theo cô Khánh Dương, đề thi còn có thể xem như một lời nhắn gởi đến các bạn trẻ bài học nhân văn sâu sắc về cách hành xử đúng mực khi biết đặt vị trí của mình vào người khác trong các tình huống của cuộc sống.
Sau cuộc thi, diễn ra vào ngày 17/5 vừa qua, đề Văn trên được một số giáo viên và học sinh chia sẻ trên trang cá nhân. Họ bày tỏ sự thích thú với đề văn ngắn gọn nhưng thú vị và vô cùng mới mẻ này.
Như tin tức đã đưa, gần đây nhiều cơ sở giáo dục ở các địa phương đã cho học sinh làm quen với những cách ra đề mới mẻ, kích thích sự sáng tạo.
Gần đây, một đề văn yêu cầu học sinh "dịch" hai câu thơ tiếng địa phương Hà Tĩnh sang tiếng phổ thông cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận.
H.M (tổng hợp)