Chiếc iPhone 6s của nhà làm phim tài liệu Ermesto Galliioto đang bay trên bãi biển ở Cabo Frio thuộc Rio de Janeiro, Brazil để quay phim. Trên chiếc trực thăng từ độ cao 300m, ông dùng chiếc iPhone này để quay khung cảnh nhưng lại bất ngờ tuột tay để rơi xuống bãi biển bên dưới.
Trong video ghi lại từ khoang lái, Galliioto buồn bã nói rằng chiếc điện thoại xem như đã mất. Nhờ người bạn trong cùng khoang lái, ông thử dùng tính năng "Find My iPhone" và bất ngờ bắt được tín hiệu từ chiếc điện thoại.
Sáng hôm sau, ông tìm theo GPS trên điện thoại và thấy chiếc iPhone đang nằm giữa bãi biển. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi máy chỉ bị tróc nhẹ lớp kính bảo vệ, phần thân chỉ có vài vết xước do có ốp lưng. Chiếc điện thoại vẫn còn 16% pin và vẫn hoạt động bình thường.
Có nhiều điều để lý giải cho sự "sống sót" của chiếc iPhone này sau cú rơi từ độ cao 300m. Đó là lực ma sát với không khí, mặt tiếp đất và không thể không kể đến thiết kế lẫn chất liệu phần vỏ.
Theo các chuyên gia phân tích, chiếc iPhone 6s này sống sót được sau cú rơi từ máy bay là nhờ nhiều yếu tố, như lực ma sát với không khí, mặt tiếp đất là cát và nhờ cả thiết kế lẫn chất liệu làm bộ vỏ.
"Lực cản của không khí khiến tốc độ rơi của chiếc điện thoại bị giảm. Nếu không có không khí, điện thoại di động sẽ đến bãi biển với vận tốc khoảng 2.700 km/h. Nguyên lý rơi cũng như trò chơi nhảy dù, khi chiếc dù được mở ra, lực cản được sinh ra, làm tốc độ chậm lại. Trường hợp này là chiếc iPhone nằm ngang cũng giúp cản vận tốc đáng kể", Julio Cesar Tedesco, Giáo sư vật lý tại Đại học Rio de Janeiro (Uerj), giải thích.
Marcio Lima, một kỹ thuật viên chuyên sửa chữa điện thoại cho rằng một trong những nguyên nhân khiến chiếc iPhone 6s vẫn sống sót sau cú rơi là sự kết hợp giữa vật lý và công nghệ. "Vỏ của iPhone được làm bằng hợp kim, loại được sử dụng trên một số xe đạp địa hình kết hợp kính cường lực. Ngoài ra, thiết kế vỏ nguyên khối cũng giúp thiết bị không bị 'xé' thành nhiều mảnh" Marcio nói.