Vào trước ngày 1/7/2021, Bộ Công an đặt ra mục tiêu sẽ có 50 triệu người trên toàn quốc được cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip. Những đối tượng thuộc diện cần thực hiện cấp mới, đổi Căn cước công dân gắn chip bao gồm:
Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp CMND/CCCD; Người đã được cấp CMND 9 số; Người đã được cấp CCCD 12 số, CCCD có mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết hạn sử dụng hoặc có thay đổi thông tin...
Khi làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, bạn cần điền tờ khai chính xác và đầy đủ. Tuy nhiên không phải ai cũng thực hiện đúng dẫn đến sai nội dung tờ khai, mất thời gian điền lại.
Đầu tiên, bạn cần điền chính xác thông tin ngày sinh trùng khớp với giấy khai sinh. Ngày sinh phải ghi đủ 2 chữ số, tháng sinh từ tháng 1 đến tháng 9 chỉ ghi 1 chữ số, các tháng còn lại thì ghi 2 chữ số. Nếu giấy khai sinh chỉ có năm sinh thì bạn cần mang thêm giấy chứng sinh (hoặc văn bản xác nhận) để xác nhận thông tin.
Nếu không có giấy tờ chứng minh đầy đủ, người làm căn cước công dân gắn chip được phép cam đoan theo quy định để làm tờ khai. Nếu không xác định được thì ngày tháng sinh mặc định là 1/1 của năm sinh.
Mục dân tộc, tôn giáp cũng cần trùng với giấy khai sinh. Ví dụ, nếu người điền đơn hiện tại theo Phật giáo nhưng trên giấy khai sinh không ghi thì trong tờ điền cấp căn cước công dân không được điền Phật giáo. Nếu muốn điền khác đi thì cần có giấy chứng nhận Quy Y Tam Bảo hoặc giấy chứng nhận Phật tử.
Tình trạng hôn nhân trong tờ khai phải trùng tại thời điểm kê khai. Ngay tại thời điểm kê khai, nếu bản án ly hôn hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn chưa có hiệu lực thì tình trạng hôn nhân vẫn là đã kết hôn.
Nơi đăng kí khai sinh thường hay nhầm lẫn. Nơi đăng kí khai sinh khác với nơi sinh. Nếu bạn sinh ở Bệnh viện A, Hà Nội nhưng đăng ký khai sinh ở phường B, Hà Nội thì phải điền vào mục này là phường B, Hà Nội mới chính xác. Mục quê quán cũng không chắc đã là nơi sinh, quê quán của một người sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ được ghi trong tờ khai đăng ký khai sinh.