Từ bao đời, cây nêu ngày Tết đã trở thành biểu tượng trong văn hóa dân gian Việt Nam. Cây nêu từ xa xưa được người dân truyền miệng thành sự tích. Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch tới đêm Giao thừa. Bởi thời điểm này vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.
Đến hết ngày mùng 7 tháng Giêng, cây nêu sẽ được hạ xuống. Người Việt gọi ngày hạ cây nêu xuống là ngày Khai hạ. Để hạ cây nêu, chủ nhà cần có một chiếc bàn nhỏ bày hoa quả, hương hoa ngay gốc cây nhằm báo cáo với trời đất gia đình đã ăn Tết vui vẻ. Sau đó, gia đình sẽ rung cây cho rụng hết lá khô, hạ cây xuống và đem bùa nêu treo ở trước cửa ngôi nhà.
Gần đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần ít phổ biến, và được thay thế với tục chơi cành hoa đào, hoa mai ngày Tết. Tuy nhiên, đây là truyền thống văn hóa mang ý nghĩa tinh thần quan trọng, đặc biệt với dân tộc thiểu số. Người Mường thì trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch, trong khi đó cây nêu của người H'mông vùng Tây Bắc Việt Nam được dựng trong lễ hội Gầu tào tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.
Cây nêu được cộng đồng người dân tộc Sán Dìu dựng trong lễ cầu mùa, sau khi thu hạch xong. Chúng trở thành một biểu tượng bảo vệ sự bình yên của con người trong những ngày thánh thần về trời, còn con người vui chơi giải trí.