Phía sau sự cống hiến hết mình với những trận đấu hay, những bàn thắng đẹp thì cuộc sống của các cầu thủ Việt bên ngoài sân cỏ lại đầy những vất vả, khổ cực mà không phải ai cũng hiểu.
Đừng mơ "con ông, cháu cha"
Lựa chọn nghề nghiệp là môn thể thao vua để cống hiến nhưng cuộc sống của các cầu thủ thực sự không phải là “đế vương” như nhiều người vẫn tưởng. Bởi khi dấn thân vào nghề, nghĩa là họ chấp nhận sự đánh giá và soi xét mạnh mẽ của dư luận vì họ đã thành người của công chúng.
Trong khi ở rất nhiều ngành nghề khác, chuyện công tư có thể còn nhập nhằng, chuyện “con ông - cháu cha” có thể coi là vấn nạn, thì riêng đối với bóng đá, tính minh bạch luôn luôn được đề cao. Ở môi trường nghề nghiệp này, năng lực cá nhân thể hiện qua quá trình luyện tập khổ cực, qua những trận đấu là tiêu chí đánh giá duy nhất. Họ được giám sát chặt chẽ và được đánh giá liên tục bởi Hội đồng chuyên môn và hàng triệu triệu người hâm mộ luôn dõi theo sự nghiệp bóng đá nước nhà.
Chính vì chịu tính minh bạch rất lớn nên để có thể trụ được với nghề, các cầu thủ phải không ngừng nỗ lực bản thân. Nếu đối với các ngành khác, các mối quan hệ thân tình có thể là phương tiện quan trọng trong việc “giữ ghế” thì đối với bóng đá, các cầu thủ chỉ có duy nhất một lựa chọn là liên tục trau dồi kỹ thuật, đồng thời đảm bảo giữ vững phong độ mới có thể đảm bảo duy trì được vị trí của mình. Còn không, sự đào thải trong nghề là chuyện không thể tránh khỏi.
Những nỗi khổ của cầu thủ Việt không phải ai cũng có thể hiểu
Thất bại là ê chề, tài sản bị "phơi"
Trong một môi trường nghề nghiệp mà nỗ lực cá nhân là tiêu chí đánh giá duy nhất thì việc không ngừng hoàn thiện kỹ năng – đối với các cầu thủ - thực sự là áp lực lớn. Vất vả đổ mồ hôi trên sân tập, họ luôn hy vọng có thể tỏa sáng trên sân cỏ để có thể đáp lại sự kỳ vọng và ủng hộ của người hâm mộ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khi họ thành công, họ nhận được những vô số lời ca tụng, tung hê. Còn khi gặp thất bại trước các đối thủ, họ trở thành nạn nhân của những bình phẩm và chỉ trích.
Có trường hợp những thông tin bán độ chỉ mới dựa trên sự đồn đoán không có căn cứ nhưng ngay lập tức, quyền riêng tư của cầu thủ cũng bị xâm phạm không thương tiếc. Ngay cả chuyện cầu thủ giao lưu gặp gỡ với những thành phần xã hội nào, đi xe loại gì cũng trở thành những chủ đề bán tán của dư luận.
Và liên quan đến các nghi vấn tiêu cực trong nghề, “thanh tra tài khoản” là cụm từ liên tục được cơ quan chức năng nhấn mạnh trong việc phải làm rõ tài chính của các cầu thủ. Trong khi đó, tài sản của các quan chức “có vấn đề” có bao giờ bị thanh tra nếu họ không gặp sự cố khi “hạ cánh”. Có người còn “kiên định với chùm chìa khóa” tới hơn 8 năm mới chịu trả lại nhà công vụ mà suốt ngần ấy thời gian, chẳng có cơ quan thanh tra nào vào giải quyết để sớm dứt điểm vụ việc kéo dài gây bất bình dư luận. Và có bao nhiêu vụ tham nhũng, tiêu cực của quan chức gây chấn động dư luận thời gian qua nhưng chẳng có một kết luận thanh tra nào về tài sản của nhà quan được công bố.
Vậy mới biết, lẽ yêu ghét của con người cũng thường tình lắm. Và chính vì là người của công chúng, chịu sự phán xét yêu ghét đó nên cầu thủ Việt “khổ” là đương nhiên.
Vũ Đậu