Theo tin tức từ TTXVN, ngày 26/6, ông Nguyễn Lộc Vương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum trao đổi với phóng viên cho biết tính đến ngày 26/6, toàn bộ 5 ổ dịch bạch hầu tại thành phố Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy đã được ngành Y tế tỉnh khống chế thành công. Ngành chức năng đã triển khai các bước tiếp theo để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bệnh bạch hầu (ảnh internet)
Các ổ dịch này xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đến giữa tháng 6/2020, với các triệu chứng ban đầu là sốt, viêm họng, viêm Amydal, họng nhiều giả mạc. Ngay sau khi phát hiện, các ca bệnh đều đã được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực. Tính đến nay, các ca bệnh đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện.
>> Xem thêm: Bố đẻ bị cáo Thiên Hà nói gì trong phiên tòa xét xử vợ và con gái?
Cũng theo VOV, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan đối với các ổ dịch, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tiến hành điều tra, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh để điều trị dự phòng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.
Đối với cùng dịch, ngành Y tế triển khai các biện pháp như hạn chế đi lại; cho uống kháng sinh Erythromycin để điều trị dự phòng; tổ chức vệ sinh và xử lý môi trường bằng Cloramin B; truyền thông theo nhóm về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Các bệnh nhân được điều trị (ảnh Gia đình)
Đồng thời, đơn vị chức năng tổ chức rà soát, tiêm vét, tiêm nhắc vắc-xin cho trẻ em từ 2 đến 18 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi và trẻ từ 18 đến 48 tháng tuổi chưa được tiêm. Trong thời gian tới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn.
>> Xem thêm: Đã bắt được nghi phạm sát hại cô gái mang thai ở Đồng Nai
Đồng thời, tiếp tục tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Td cho các đối tượng từ 7 đến 25 tuổi tại các xã có ca bệnh, đảm bảo chiến dịch đạt tỉ lệ trên 95%. Đẩy mạnh hoạt động tiêm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.