Không ai ngờ, mối lương duyên ấy đã dẫn lối đến 1 trong các tác phẩm điện ảnh thành công nhất của thời kỳ.
Năm 1952, chuyện kể rằng có một người đàn ông Việt đã tuyển chọn hơn 300 tác phẩm xuất sắc để chuyển thể thành kịch bản phim do chính ông làm đạo diễn. 1 năm sau, ông bắt tay vào những cảnh quay đầu tiên với đội ngũ diễn viên nghiệp dư của mình. Không ai ngờ, bộ phim Việt với những cảnh quay đơn sơ, mộc mạc bằng máy quay 35 ly đã trở thành bộ phim đình đám nhất thời kỳ bấy giờ, đưa danh tiếng của đoàn phim lên cao kỷ lục từ Bắc chí Nam của đất nước. Ít ai biết được, khởi nguồn của bộ phim ấy chính là nhờ mối tình của đạo diễn và nữ diễn viên chính, cặp đôi ấy là ông bầu Long và cô Kim Chung. Còn tác phẩm kinh điển ấy chính là Kiếp Hoa - Bộ phim đầu tiên được thu tiếng bởi đội ngũ người Việt.
Tờ bướm giới thiệu phim Kiếp hoa.
1. Khi chàng công tử con quan phải lòng cô đào hát
Lùi lại mốc thời gian 1950, ngày ấy có 1 chàng trai tên Trần Long đem lòng yêu cô đào hát Kim Chung. Chàng yêu cô đến nỗi đem cả tên cô đặt cho gánh hát cải lương của mình: rạp hát Kim Chung, nghĩa là tiếng chuông vàng. Tuy nhiên vì xuất thân là con cái nhà quan, Trần Long bị gia đình cấm không cho qua lại với đào hát. Nhưng tình yêu đôi lứa đâu phải nói chia là sẽ đứt, Trần Long và Kim Chung đã về sống với nhau mặc những khó khăn từ gia đình. Cũng từ đây, bầu Long nghĩ cách tự bỏ vốn ra làm phim, đưa vợ mình thành diễn viên chính, tự làm bối cảnh, tự đưa đoàn ra nước ngoài quay phim. Phải công nhận 1 điều rằng, người đàn ông Trần Long ấy đã sống với 1 tuyên ngôn duy nhất: Nghĩ lớn, làm lớn. Sống làm sao để người phụ nữ của mình có thể mỉm cười tự hào, vậy thôi!
2 vợ chồng ông bầu Long và nghệ sĩ Kim Chung trong ngày chiếu phim Kiếp hoa rạp Đại Nam.
2. Tình yêu dẫn lối đến tác phẩm kinh điển của nước nhà
Kiếp hoa kể về số phận trôi nổi cùng cực của 2 người chị em gái xinh đẹp, nết na tên Ngọc Lan và Ngọc Thủy. Ngọc Lan do bà Kim Chung thủ vai, Ngọc Thủy do Kim Xuân - em dâu bà Kim Chung đảm nhận. Bối cảnh phim là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của người Hà Nội, trên đường đi di tản, 3 mẹ con gặp được Thiện - một chàng trai hào phóng và trượng nghĩa cho ở nhờ. Ngày qua ngày, Thiện và Lan nảy sinh tình cảm với nhau nhưng đột ngột Thiện phải trở về Hà Nội. Loạn lạc và ly tán, tấm ảnh làm tin đã không thể giúp Ngọc Lan tìm lại Thiện giữa dòng đời. Đúng lúc đó, có người vì muốn chiếm được tình cảm của Lan mà tung tin Thiện đã tử nạn. Người ấy chuốc rượu cô và biến việc thất thân thành cái cớ để trói buộc hôn sự cả đời. Cắn răng lấy gã ta làm chồng, nhưng chẳng bao lâu sau Lan và Thủy cũng rời đi làm ăn xa để trốn khỏi gông kìm của hắn. Ở đó, cô đã gặp lại Thiện.
Nhân vật Thiện và Ngọc Lan trong phim Kiếp hoa.
Trải qua bao nhiêu sóng gió, cuối cùng Lan cũng chấp nhận lời cầu hôn của Thiện. Tuy nhiên trong đám cưới, Lan nhận ra người bưng rượu chính là bạn của chồng cũ. Sợ hãi vì quá khứ 1 đời chồng và không muốn ảnh hưởng đến danh tiếng của Thiện, Ngọc Lan đột ngột bỏ đi sau đám cưới.
Kết phim là cảnh Thiện an ủi Ngọc Thủy trong đêm mưa khi cô nghe thấy tiếng rao ngoài phố gợi nhắc đến chị. Chẳng biết Thiện có gặp lại Ngọc Lan, hay Ngọc Thủy sẽ tiến đến với Thiện? Đáp án bấy lâu nay vẫn để ngỏ, bầu Long hẳn muốn để mỗi khán giả sẽ có một kết phim cho riêng mình.
2 chị em Ngọc Lan, Ngọc Thủy.
3. Kiếp hoa hay kiếp người còn dang dở?
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, có lẽ cái kết phim bỏ ngỏ ấy cũng là 1 yếu tố khiến nó được nhớ mãi trong ký ức của người đương thời. Để thành công được như vậy, chắc chắn phải kể đến diễn xuất và giọng hát thiên phú của nghệ sĩ Kim Chung, Kim Xuân. Phong thái tĩnh tại, thanh tao, duyên dáng và đài các đúng chuẩn con gái Bắc Kỳ là điểm đặc biệt nhất xuyên suốt tác phẩm. Người ta sẽ nhớ mãi Kim Chung với khuôn mặt trái xoan hiền hậu, đôi mày lá liễu cong cong, ánh mắt sắc sảo, từng trải. Kim Xuân lại mang 1 vẻ tròn trịa, bầu bĩnh, đáng yêu và dịu dàng.
Ở thời đại mà cải lương đang làm bá chủ giới nghệ thuật thì 1 bộ phim điện ảnh vừa xuất sắc về phần nhìn, ấn tượng về phần nghe quả thực khiến người ta thán phục. Vẫn là những bộ áo dài truyền thống ấy, vẫn là chiếc vòng cổ đơn giản nhưng sao mà duyên dáng thế, tinh tế thế! Ừ thì chuyện phim buồn thật đấy, rằng đời người con gái sao cứ mãi truân chuyên, nhưng dù có buồn, 2 cô gái ấy vẫn sống, vẫn tự quyết định con đường riêng mình sẽ đi. Ở thời đại mà cha mẹ đặt đâu con vẫn phải ngồi đấy, thì lựa chọn của 2 chị em Ngọc Lan, Ngọc Thủy chắc chắn sẽ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ.
Xuất thân là ca nương, Kim Chung, Kim Xuân không khó khăn để hát những ca khúc bất hủ trong phim. Dư âm là bài hát đình đám nhất, được khán giả nhớ nhất và được lan truyền rộng rãi nhất. Nghe Dư âm, người ta thấy sự hòa trộn tinh tế và điêu luyện của giọng thật, giọng giả, từng tiếng ngân hay độ rung ở thanh quản. Người sao mà tài sắc vẹn toàn, muốn có dung mạo quý phái, có quý phái; muốn có giọng ca si mê, có si mê. Những Giọt mưa thu, Làng tôi, Cây dàn bỏ quên… cũng từ đây mà có thêm nhiều thính giả trung thành. Bởi thế mới nói, bộ phim Kiếp hoa là bộ phim vàng của thời đại cũng không hẳn là nói quá.
4. Những thứ đầu tiên của bộ phim đầu tiên...
Ông bầu Long thời ấy muốn gây dựng sự nghiệp lớn nhưng vốn liếng chưa có nhiều. Đoàn hát của ông cứ ban ngày thì đi đóng phim, tối thì diễn cải lương để lấy tiền trang trải. Sở dĩ tốn kém như vậy là vì đoàn phải sang tận Hồng Kông quay nội cảnh. Tiền bán vé cải lương được bao nhiêu, ông Long lại đem đổi sang tiền Hồng Kông để chi trả. Phim vừa phải quay đẹp, chất lượng, lại vừa phải quay nhanh để kịp ra rạp trước phim Bến cũ - đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Cuối cùng, Kiếp hoa chiếu trước 1 tháng và ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh Việt Nam. Chính thức trở thành bộ phim Việt đầu tiên có phần âm thanh do đội ngũ người Việt sản xuất.
“Ngày đó, Kiếp hoa thực sự là một sự kiện nghệ thuật đình đám của đất Thăng Long. Tôi vẫn nhớ cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy người ta quảng bá bộ phim này bằng cách thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh hồ Gươm” - Ông Mai Văn Minh, một khán giả của Kiếp hoa kể lại. Kiếp hoa chính là một bom tấn thời đại, người ta gọi nó là “kỳ tích” của điện ảnh nước nhà. Khắp nơi người ta tìm mọi cách để đến rạp chiếu bóng xem Kiếp hoa, bàn tán về Kiếp hoa, nghe nhạc phim Kiếp hoa.
Ở Hà Nội, phim chiếu ở cả rạp Đại Nam và rạp Bắc Đô. Ở Sài Gòn, phim chiếu ở Nam Quang và Nam Việt, mỗi rạp cách nhau 30 phút. Mỗi suất chiếu rạp đều đông kín người, Doanh thu lên đến 10 triệu đồng - Đó là 1 con số khổng lồ cách đây 63 năm. Cũng nhờ tác phẩm này mà ông bầu Long có tiền mua hẳn căn nhà số 84, ngay cạnh nhà bố mẹ ruột. Lợi nhuận từ bộ phim giúp ông đầu tư thêm 7 đoàn hát Kim Chung hoạt động khắp Nam Bộ trong những năm về sau. Ấn tượng nhất vẫn là chiếc nhẫn kim cương 1 carat mà ông Long tặng bà Kim Xuân thay cho tiền cát xê diễn xuất. Sau này bà Kim Xuân kể lại, rằng bà bán nhẫn được 5 triệu đồng, góp cùng với số tiền 13 triệu của 2 vợ chồng để mua được căn nhà tại phố Bát Đàn ngày nay.
LEVIOSA NF
Theo Helino/Trí thức trẻ