Theo VnExpress, Thanh Niên và Người Lao Động, sáng ngày 5/5 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên các em học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ gồm ba bài bắt buộc và một bài tự chọn. Bốn buổi thi tương ứng với bốn bài thi, trong đó bài Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần.
Bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn thành phần là lịch sử, địa lý và giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh giáo dục THPT); gồm 2 môn thành phần là lịch sử, địa lý (đối với thí sinh là học viên hệ giáo dục thường xuyên). Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Thí sinh là học sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và 1 bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi thêm bài ngoại ngữ.
Thí sinh sẽ thi 3 bài thi bắt buộc và 1 bài thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Internet
Thí sinh tự do tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.
Thời gian làm bài thi cụ thể như sau: ngữ văn 120 phút; toán 90 phút; ngoại ngữ 60 phút; bài thi tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần (tổng 3 môn là 150 phút). Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi (mỗi buổi 1 bài thi), thay vì 2,5 ngày với 5 buổi thi như các năm trước.
Như vậy, thời gian thi từng môn giống ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, số buổi được rút bớt do thí sinh không được thi cả hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội như năm trước. Hai bài thi này sẽ diễn ra song song trong một buổi.
Về nội dung thi, nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố. Bộ GD-ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nội dung thi phù hợp với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố. Ảnh: Internet
Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi ở địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Cán bộ tham gia công tác tổ chức thi là cán bộ, giáo viên của địa phương (cán bộ coi thi, giám sát thi sẽ là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau).
Kết quả kỳ thi được các sở GD-ĐT dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được cụ thể hóa trong Quy chế thi. Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.