Tin mới

Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Môn tiếng Anh có nhiều điều chỉnh cần lưu ý

Thứ năm, 04/01/2024, 18:30 (GMT+7)

Việc mở rộng chứng chỉ tiếng Anh được miễn thi tốt nghiệp, thay đổi đề thi là những nội dung được triển khai trong thời gian tới đối với môn ngoại ngữ.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Trong các môn thi, tiếng Anh là một trong những môn có nhiều sự thay đổi trong quy chế thi trong năm 2024 và hình thức thi trong năm 2025.

Thêm nhiều chứng chỉ tiếng Anh được miễn thi tốt nghiệp

Theo đó, trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa được công bố, việc mở rộng chứng chỉ thuộc diện miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT tạo ra nhiều băn khoăn.

Cụ thể, bên cạnh chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước, thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill, Aptis ESOL B1, PEARSON PTE B1 hoặc TOEIC 4 kỹ năng sẽ được miễn bài thi Ngoại ngữ.

Cô Nguyễn Minh Oanh - Giáo viên Luyện thi IELTS tại Trung tâm Hà Vũ English AZ.
Cô Nguyễn Minh Oanh - Giáo viên Luyện thi IELTS tại Trung tâm Hà Vũ English AZ.

Đánh giá về việc này, cô Nguyễn Minh Oanh - Giáo viên Luyện thi IELTS tại Trung tâm Hà Vũ English AZ bày tỏ: “Không thể phủ nhận là việc bổ sung thêm các chứng chỉ Ngoại ngữ Bậc 6 là một trong những sự ưu ái của Bộ GD&ĐT đối với học sinh. Việc bổ sung này giúp việc tiếp cận với các chứng chỉ, nâng cao trình độ của học sinh trở nên dễ dàng hơn, chi phí phù hợp hơn và cũng tạo điều kiện công bằng cho tất cả học sinh”.

Tuy nhiên, cô Oanh cho rằng mức độ uy tín của những chứng chỉ này cần phải có sự xem xét sâu hơn. Những bài thi chuẩn quốc tế như TOEFL ITP, TOEFL iBT, IELTS có mức độ uy tín cao không chỉ nằm ở việc được quốc tế công nhận, mà sự phân hoá trong đề cũng được thiết kế vô cùng tỉ mỉ để kiếm tra chính xác năng lực của học sinh trong từng khía cạnh.

Mỗi đề sẽ có một cách đưa đề riêng nhưng nhìn chung thì đều đi sâu vào kiểm tra kỹ năng vận dụng tiếng Anh ở những trình độ bậc cao (như các bài báo khoa học, văn học, y học,....), cùng sự phân bố về mức từ vựng rất logic và rõ ràng.

“Với những đề thi bậc 6 vẫn còn phần nào "nhẹ" hơn về độ khó của đề, việc "quy chung về một mối" có phần chưa hợp lý. Điểm cao một chứng chỉ dễ hơn, không có nghĩa là có thể quy đổi ra điểm ở một chứng chỉ khác khó hơn.

Dù đã có thể nói một cách tích cực rằng các em học sinh được ưu ái với những sự thay đổi kịp thời này của Bộ GD&ĐT, thì việc ứng dụng Chính sách quy đổi chứng chỉ tiếng Anh bậc 6 để miễn tiếng Anh vẫn cần sự xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính công bằng trong xét duyệt năng lực ngoại ngữ cũng như cơ hội học tập của học sinh”, vị giáo viên cho hay.

Nhiều thay đổi trong việc kiểm tra đánh giá trong kỳ thi tốt nghiệp (Ảnh: Hữu Thắng).
Nhiều thay đổi trong việc kiểm tra đánh giá trong kỳ thi tốt nghiệp (Ảnh: Hữu Thắng).

Đề thi điều chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế

Đối với sự thay đổi trong đề thi từ năm 2025 của môn tiếng Anh phục vụ Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Minh Oanh đánh giá đề thi phần lớn là trắc nghiệm khách quan, các nội dung phân hoá làm 3 nhóm: Lý thuyết cơ bản; Tin tức thực tiễn, sát đời sống; Quảng cáo, thông tin ngắn.

“Nhìn chung thì các nội dung trong đề phân hoá theo hướng bám sát kiến thức trên thực tiễn để giúp học sinh có thể liên hệ dễ hơn với đời sống, dễ thấy bên cạnh việc đánh giá năng lực tiếng Anh, đề còn được thiết kế để kiểm tra khả năng vận dụng ngôn ngữ cũng như kiến thức xã hội của các em.

Ví dụ nội dung đề dạng hoàn thành đoạn văn cho trước là về lợi ích âm nhạc mang lại cho cuộc sống”, cô Minh Oanh bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng theo cô Oanh với cấp độ từ vựng được sử dụng trong bài (30% là từ vựng trình độ B1-B2), một trình độ tương đối cao so với học sinh cấp 3. Có thể nói mức độ khó của đề tương đương mức 7/10.

Đề thi được thiết kế để tránh việc học sinh học thuộc lòng mà buộc phải dựa vào logic, bám sát với xu thế học tiếng Anh hiện tại và các đề thi theo chuẩn quốc tế. Thông tin đòi hỏi tính logic cao, kết hợp với từ vựng khó có thể là một bước cản lớn với học sinh nếu không có chiến thuật học phù hợp.

“Cùng với đó, đề thi đang thay đổi theo hướng giống đề IELTS nhưng có sự thay đổi chút cho phù hợp chương trình THPT, điều này giúp loại bỏ hoàn toàn việc học mẹo mà đi vào thực chất. Nhìn vào đề có thể thấy sự kỳ vọng của Bộ GD&ĐT là nâng cao mức vận dụng tiếng Anh của học sinh trình độ phổ thông lên”, cô Minh Oanh nhận xét.

Trước sự thay đổi của đề thi, cô Nguyễn Minh Oanh cho rằng các em cần chuẩn bị tốt vốn từ vựng (từ lại, chủ đề, cấu tạo từ); Luyện tập tư duy phân tích logic khi làm thay vì dùng mẹo; Tăng cường luyện tập thường xuyên để quen với thời lượng đề thi. Đặc biệt, thường xuyên đọc và cập nhật thêm về kiến thức xã hội để không quá bỡ ngỡ với nội dung đề thi.

Đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố vừa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh. Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GDĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học từ 11-17/12/2023.

Trên cơ sở phân tích kết quả thử nghiệm, Bộ GDĐT đã mời các chuyên gia (là tác giả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tác giả sách giáo khoa, giảng viên và giáo viên có nhiều kinh nghiệm) làm việc tập trung để hoàn thiện cấu trúc định dạng đề thi cùng đề minh họa để công bố.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news