Tin mới

Ký ức kinh hoàng của 12 nạn nhân trở về từ cõi chết

Thứ ba, 23/12/2014, 10:04 (GMT+7)

Sau 82 giờ đối diện với nỗi sợ hãi, cái lạnh thấu xương, 12 công nhân của công ty CP Sông Đà 505 bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng đã được giải cứu an toàn. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, tình trạng sức khỏe của các nạn nhân đã dần bình phục. Bốn ngày đêm không ngủ trong hầm tối là một ký ức kinh hoàng không thể nào quên của 12 nạn nhân.

 

 

Sau 82 giờ đối diện với nỗi sợ hãi, cái lạnh thấu xương, 12 công nhân của công ty CP Sông Đà 505 bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng đã được giải cứu an toàn. Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, tình trạng sức khỏe của các nạn nhân đã dần bình phục. Bốn ngày đêm không ngủ trong hầm tối là một ký ức kinh hoàng không thể nào quên của 12 nạn nhân.


Các nạn nhân được giải cứu tại thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo.

82 giờ đối diện với cái chết

Sáng 20/12, PV báo Đời sống và pháp luật có mặt tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng để thăm hỏi và chia sẻ những cảm xúc với 12 công nhân công ty CP Sông Đà 505 đang điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhân được chuyển vào lúc 17h ngày 19/12 sau bốn ngày đêm bị nạn trong hầm thủy điện Đạ Dâng- Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạt Dương, tỉnh Lâm Đồng). Hiện tại, tình trạng sức khỏe của 11 công nhân đã tạm thời ổn định. Riêng chị Đặng Thị Hồng Ngọc, nữ công nhân duy nhất trong số 12 công nhân bị kẹt sức khỏe rất yếu, chưa tiếp xúc được với nhiều người.

Xem video liên quan:

Nạn nhân kể lại quá trình sập hầm thủy điện Đạ Dâng

Tại phòng hồi sức của bệnh viện, không khí trở nên náo nhiệt bởi tiếng cười nói của 11 bệnh nhân, những người thân có mặt để thăm hỏi động viên tinh thần của anh em. Chia sẻ với PV về những giây phút hãi hùng của vụ sập hầm, anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi, quê Hà Tĩnh), người đầu tiên cảm nhận được dấu hiệu sập hầm kể lại: “Lúc đó tôi đang làm dầm thép thì nghe thấy tiếng của vài mảng đá rơi lịch bịch. Lúc đó, tôi vừa chạy thục mạng vừa hô hoán cho anh em cùng thoát ra hướng cửa hầm. Nhưng khi chúng tôi vừa chạy được vài mét thì bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm, tiếng đất đá rơi lả tả, cả hầm như rung chuyển rồi chìm trong bóng tối...”.


Công nhân Nguyễn Văn Quang kể lại giây phút hãi hùng.

Nằm ở giường kế bên, anh Trương Tuấn Việt (30 tuổi, quê Hà Nam) cũng ngồi dậy cho biết: “Cả hầm lúc đó tối đen như mực, anh em dùng điện thoại soi đường, bám vào nhau, động viên nhau cho đỡ hoảng sợ. Hơn hai giờ trôi qua, chúng tôi cảm thấy bắt đầu khó thở. Ai cũng biết rằng ô xy trong hầm dần bị cạn, mọi người đều lo sợ nhưng không ai dám nói một lời nào. Lúc đó, tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ “đi” hết. Sau đó, tất cả nhảy cẫng lên vì sung sướng và hạnh phúc khi có một mũi khoan xuyên qua lớp đất đá, đưa một đường ống thông từ ngoài vào trong. Thông qua đường ống đó, ô xy được bơm vào nên chúng tôi cảm thấy dễ thở hơn và có thể liên lạc được với bên ngoài. Từ đó chúng tôi bắt đầu bình tĩnh và không lo lắng nữa”.


Là bệnh nhân yếu nhất nhưng trong sáng 20/12 anh Hoàng Đình Thịnh (28 tuổi, quê Nam Định) cũng đã hồi phục sức khỏe và có thể trò chuyện với anh em. Anh Thịnh cho biết: “Tôi bị bệnh suyễn, lúc trong hầm khi bị thiếu ô xy và bị lạnh, tôi liên tục lên cơn co giật. Khi đó tôi cũng chẳng thiết sống, chỉ muốn chết sớm cho đỡ khổ”.

Chia sẻ với chúng tôi về diễn biến những ngày ở trong hầm, anh Thịnh kể: “Hai ngày đầu ở trong hầm chúng tôi khá bình tĩnh vì cháo, sữa được bơm vào liên tục. Chúng tôi dùng nón bảo hộ làm tô hứng sau đó chia cho mọi người ăn. Chúng tôi kể chuyện, hát cho nhau nghe để lấn át nỗi sợ hãi, trong khi chờ đợi lực lượng cứu hộ giải cứu. Nhưng đến ngày thứ ba mọi người bắt đầu lo sợ khi phát hiện mực nước ngày càng tăng lên. Sau một đêm mực nước ngập lên đến ngực khiến một số công nhân bắt đầu mất bình tĩnh, gây hỗn loạn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh ấy chúng tôi vẫn trấn an nhau, tìm các vị trí trên dàn giáo, xe công trình để tránh bị ướt và ôm nhau cho khỏi lạnh”.

Nằm cùng phòng với anh Thịnh, anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Hà Tĩnh) góp thêm: “Đến ngày thứ tư, mực nước trong hầm hạ xuống đến còn ngang đùi, chúng tôi bắt đầu nhẹ nhõm. Tuy nhiên, vẫn lo sợ vì bốn ngày trôi qua mà lực lượng cứu hộ chưa đến. Vị trí vòi sữa, cháo cách chỗ chúng tôi 50m nên chúng tôi phân công nhau luân phiên đi lấy và liên lạc với bên ngoài. Lúc tôi và thằng Nam (Nguyễn Viết Nam, quê Nghệ An) đang lội tới đường ống dẫn sữa, thì nghe có tiếng người ở bên đường hầm, và có ánh sáng từ một lỗ hổng. Khi đó tôi mừng rỡ, vứt mũ bảo hộ hét lên “sống rồi, sống anh em ơi”. Mọi người mừng rỡ chạy tới. Sau đó mọi người được lực lượng cứu hộ lần lượt đưa ra ngoài”.Sự kỳ diệu đến không ngờ!

Tại bệnh viện, chiều cùng ngày, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An) nữ công nhân duy nhất, cũng bình phục và được chuyển xuống phòng hồi sức cùng với 11 bệnh nhân còn lại. Mặc dù sức khỏe còn yếu, nhưng chị Ngọc vẫn có thể trò chuyện được với PV. Chia sẻ với PV về thời gian ở trong hầm tối chị Ngọc cho biết: “Hai ngày đầu tôi rất bình tĩnh, vì biết bên ngoài lực lượng cứu hộ đang cố đưa chúng tôi ra. Nhưng sau khi nước trong hầm dâng lên cao, tôi chỉ sợ lực lượng chưa đến thì chúng tôi đã phải chết vì Đuối nước. Sau đó, được anh em động viên nên tôi cũng cố giữ bình tĩnh. Vì một mình là phụ nữ nên tôi được mấy anh ưu tiên không phải lội nước đi lấy cháo, sữa”.

Chị Ngọc - nữ công nhân duy nhất trong 12 nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện.


Ngồi bên cạnh, nắm riết đôi bàn tay của vợ, anh Phạm Viết Bắc (chồng chị Ngọc) tiếp lời: “Trong tích tắc mà suýt chút nữa tôi mất vợ”. Theo anh Bắc, vợ chồng anh có một đứa con trai 5 tuổi. Vì gia đình khó khăn, nên vợ chồng anh gửi con cho bà ngoại vào làm công nhân cho công trình thủy điện chưa đầy một tháng nay. ở diễn biến khác, bác sỹ Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện tình trạng sức khỏe của 12 bệnh nhân đã dần ổn định. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn phải tiếp tục ở lại bệnh viện, để các bác sỹ theo dõi tình trạng sức khỏe. Tất cả chi phí điều trị của 12 bệnh nhân tại bệnh viện đều miễn phí”.

Sau 82 giờ kể từ lúc vụ sụp hầm thủy điện Đạ Dâng ngày 16/12, các chiến sỹ công binh của các lữ đoàn công binh ngày đêm không ngủ luân phiên thay nhau đào hầm giải cứu các nạn nhân. Với nỗ lực đó, các chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch được giao trong niềm hân hoan của mọi người và hàng triệu trái tim đang ngóng chờ trên cả nước. Binh nhất Đoàn Văn Thảo (lữ binh đoàn 293, thuộc bộ Tư lệnh công binh) người cuối cùng thông hầm giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, kể về giây phút xúc động đó: “Đào gần tới đường hầm tôi nghe bên trong có tiếng động. Khi đó tôi cố gắng tốc lực đào xuyên qua lớp đất đá đó, bò vào. Khi tìm thấy được những nạn nhân trong hầm tôi vui mừng òa khóc cùng họ. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào như giây phút đó”.

Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng (Phó tham mưu Trưởng lực lượng công binh, Tổng chỉ huy lực lượng đào hầm cứu hộ) cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ chúng tôi đã đặt ra nhiệm vụ là phải giải cứu các nạn nhân trong hầm một cách sớm nhất và phải đảm bảo an toàn cho các nạn nhân. Giải cứu 12 nạn nhân trước mục tiêu đề ra là điều thành công ngoài sự mong đợi khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc trong sự nghiệp người lính”.

Theo Mai Cường/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news