Tin mới

Lại một mùa "nồng nàn" hoa sữa: Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh "kinh hoàng" trong gió

Thứ năm, 08/11/2018, 09:46 (GMT+7)

Từ biểu tượng của mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh, hoa sữa đang ngày đêm chứng minh sức sinh tồn mãnh liệt của mình. Loài hoa mang vẻ ngoài giản đơn, dù không sặc sỡ sắc màu nhưng được "bù lại" bằng một mùi hương đặc trưng, thậm chí là độc tôn.

Từ biểu tượng của mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh, hoa sữa đang ngày đêm chứng minh sức sinh tồn mãnh liệt của mình. Loài hoa mang vẻ ngoài giản đơn, dù không sặc sỡ sắc màu nhưng được "bù lại" bằng một mùi hương đặc trưng, thậm chí là độc tôn.

Những ngày đầu tháng 11, Hà Nội trở mình sang thu. Thời tiết dịu nhẹ, trong veo. Sáng sớm, thu Hà Nội se se lạnh, tầm trưa điểm vài hạt nắng cuối mùa. Đến chiều tối, từng cơn gió nhè nhẹ cuốn theo hương hoa sữa nồng nàn đến choáng váng. Mùa thu Hà Nội - mùa của những hàng hoa sữa, dù đẹp và thơm đến mấy, nhưng vẫn không thể ngừng "mâu thuẫn".

Hoa sữa vốn dung dị. Từng chùm hoa nhỏ xinh, trắng muốt và hết sức dịu dàng. Hoa phượng đỏ, bằng lăng tím, chỉ có điều, chúng vô hương. Riêng hoa sữa, vẻ ngoài giản đơn, không sặc sỡ sắc màu được "bù lại" bằng một mùi hương đặc trưng, thậm chí là độc tôn. Ngày xưa đúng là cứ nghe thoang thoảng thì thấy lãng mạn lắm, nhưng bây giờ hình như khắp nơi chỗ nào cũng trồng nên ngào ngạt! Nhiều người tự hỏi, bao giờ thành phố ra lệnh "trảm" bớt những cây hoa sữa bên đường?

Thu Hà Nội - mùa của hoa sữa.

 

 

Từng chùm hoa dung dị, trắng muốt nhưng có sức "công phá" đáng sợ.

Người thích, kẻ ghét mùi hương nồng nàn của hoa sữa Hà Nội

Mùa hoa sữa thực sự bắt đầu từ cuối tháng 9 và kéo dài đến khoảng đầu tháng 12 Dương lịch. Thường thì càng về cuối vụ, hương hoa sữa càng đậm hơn. Và đặc biệt về đêm, nhiệt tích tụ của một ngày càng kích thích hoa sữa nở rộ. Từng cây đơm hoa trắng thành cụm xum xuê, gió heo may đẩy hương hoa bay xa. Mùi hương ngào ngạt của nó tạo cảm giác đau đầu, khó chịu.

Có những con đường ở Hà Nội được mệnh danh là "phố hoa sữa", bởi lẽ cứ đi vài mét lại có một cây. Nào phố Quang Trung, đường Nguyễn Du, rồi cả Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lò Đúc, Đào Tấn. Đặc biệt, con phố Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội) dài chừng 1,7 km nhưng có tới khoảng trăm cây hoa sữa. Có những cây "vươn mình" vào tận nhà khiến người dân "mất ăn mất ngủ". 

Có người thích hoa sữa lắm, vì đó là cái mùi, cái tình đặc trưng của Hà Nội. Với họ, không gì bằng một chiều đi dọc phố, hít hà chút hương hoa để cảm nhận thế nào là thu Hà Nội. Hoa sữa thơm lắm, thơm dịu đẹp và nhẹ nhàng ấy.

"Ngày xưa mình thường đưa bạn gái đi dưới con đường toàn hoa sữa. Rất lãng mạn. Cảm thấy mùi hoa sữa trong lành và thơm ngát" - anh Linh (25 tuổi) tâm sự.

Hoa sữa "chiếm đóng" dọc đường Nguyễn Chí Thanh.

 
Điều kỳ lạ là có người mê mẩn đến tôn sùng thứ hoa đặc trưng của mùa lạnh Hà Nội này, cứ hễ đi qua đoạn đường nào "ngập" hoa người ta lại "hít hà" như muốn... ôm trọn cả cây. Diệu Hoa. - nữ sinh viên 21 tuổi thuộc số ít người "đắm chìm" trong loài hoa này. Cô bạn miêu tả, mùi hương hoa sữa khiến người dù bận rộn cũng phải dừng lại để thưởng thức.

"Chẳng hiểu sao mình ngửi mùi hoa sữa bao nhiêu cũng không hề hấn gì. Đợt này đi qua đường nào nhiều hoa sữa cũng phải dừng lại một lúc để ngửi cho thật thỏa thích, còn hái một cành đêm về nhà nữa. Nếu không có hoa sữa thì hẳn những người như mình sẽ buồn và hụt hẫng ghê gớm".

Có đến 1001 lý do ghét hoa sữa. Người thì thấy hình dạng của hoa sữa, mà theo họ miêu tả là "nhung nhúc" từng chùm trông đáng sợ, đã khiếp vía rồi. Cũng có người vì... chia tay người yêu mà đâm ra ghét luôn mùi hoa sữa. Loài hoa này có mùi thơm khá mạnh, khi trồng quá dày, tiếp xúc hương hoa mật độ cao sẽ trở nên nồng nặc, khiến người hít phải cảm thấy choáng váng, mệt mỏi.

Hàng cây hoa sữa ở Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Lại một mùa nồng nàn hoa sữa: Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh kinh hoàng trong gió - Ảnh 6.

Những căn nhà chịu cảnh sống chung với hoa sữa.

"Hoa sữa thơm... kinh khủng. Ngửi thoang thoảng còn có thể chấp nhận, nhưng nếu ngày nào cũng nồng nặc như này thì mình rất đau đầu. Tối nào đi làm về qua con đường Nguyễn Chí Thanh, mình chỉ muốn thành phố chặt bớt cây thôi" - chị Hiền (27 tuổi) than vãn.

Đặc biệt với những người mắc bệnh viêm xoang, chỉ hít hà một chút thôi, cũng đủ nhức đầu cả ngày. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc hít ngửi hương thơm đậm đặc phát tán trong không khí lâu dễ dẫn đến làm giảm lượng oxy, gây dị ứng, đau đầu với những người có cơ địa dị ứng. 

"Đằng sau nhà tôi có một cây hoa sữa dạng... đại thụ", anh Hùng (30 tuổi) nói. "Mỗi khi đông về lại nhức đầu, khó thở với cái loại cây này. Cái mùi nó nồng quá, mà kết hợp với trời mưa nữa thì không nói nên lời, hạt hoa sữa cuối mùa bay vào nhà chất đống, nhìn rất đáng sợ". 

Mùi hoa sữa thoang thoảng rất thích thú, nhưng cái gì "quá" đều không tốt. 

Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh "kinh hoàng"

Lý do cơ bản nhất là vì nhiều tuyến phố đã trồng hoa sữa quá dày đặc, vì đây là loài cây có ưu điểm mọc nhanh, tương đối cao, tán xoè rộng và nhanh có bóng mát. Tuy nhiên, mật độ cây quá dày sẽ khiến mùi hương trở nên đậm đặc hơn rất nhiều. 

Hơn nữa, hoa sữa không có màu sắc bắt mắt, nên chúng buộc phải sử dụng mùi hương để thu hút thêm côn trùng vào ban đêm. Vậy nên, những người không thích mùi hoa sữa nên đóng kín cửa khi đêm xuống, nếu không sẽ cảm thấy bức bối, khó chịu.

Theo lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam), hoa sữa có nhiều tác hại với sức khỏe. Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở. Những con phố càng nhỏ, không gian chật chội mà lại trồng nhiều cây này thì cảm giác rất bí bách, khó chịu vì hương hoa sữa rất nồng nặc, càng hít nhiều sẽ càng thấy mệt.

Lại một mùa nồng nàn hoa sữa: Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh kinh hoàng trong gió - Ảnh 8.

Hoa sữa không màu sắc, nhưng bù lại một mùi hương đặc trưng.

Lại một mùa nồng nàn hoa sữa: Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh kinh hoàng trong gió - Ảnh 9.

Cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa.

Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.

Lương y Trung cũng bày tỏ, nếu trong một khu phố nhỏ có một cây hoa sữa thì sẽ dễ chịu, nhưng trồng nhiều cây dễ phản tác dụng. Người bị ho hen, viêm xoang và đau đầu, buồn nôn, có thể nguyên nhân từ việc hít nhiều hương hoa sữa. Hoa và quả của loài cây này thường có tính tự phát tán. Chúng lại có lớp lông mỏng bao phủ nên khi khô đi, thường lẫn vào không khí, trở thành chất bụi gây hại đến đường hô hấp hoặc có thể làm nổi mẩn, gây dị ứng ngứa ngoài da.

Lại một mùa nồng nàn hoa sữa: Từ biểu tượng mùa thu Hà Nội tới nỗi ám ảnh kinh hoàng trong gió - Ảnh 11.

Hà Nội mùa này nhiều cây hoa sữa quá rồi....

Trước đây hồi giữa năm 2011, ở Trà Vinh từng có vụ "kiện hoa sữa" vì loài hoa này được trồng quá nhiều, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến không gian sống, đặc biệt là với sức khỏe người già, trẻ em. Cuối năm 2011, chính quyền TP Đà Nẵng đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news