Hôm nay là thứ 6 ngày 13, cái ngày mà đối với rất nhiều người là hiện diện cho sự xui xẻo. Thế nhưng không phải ai cũng biết do đâu mà người ta lại có quan niệm này.
Thứ 6 ngày 13 của bất kỳ tháng nào trong bất kỳ năm nào được xem như một ngày kém may mắn ở nhiều nước phương Tây. Nỗi ám ảnh của mọi người về Thứ Sáu ngày 13 thậm chí còn có tên gọi riêng là paraskavedekatriaphobia, trong đó "paraskevi" là thứ 6, "dekatria" là số 13 và "phobia" là nỗi sợ hãi (theo tiếng Hy Lạp).
Thế nhưng vì đâu mà người ta sợ hãi ngày này đến vậy, hãy cùng nhau đi tìm hiểu nhé!
Con số 13
Theo một tạp chí của Nga, nếu đến Vương quốc Anh, Canada hay Australia, chúng ta không thể tìm thấy một ngôi nhà nào có địa chỉ số 13. Trên máy bay của tất cả các hãng hàng không Đức đều thiếu đi hàng ghế thứ 13. Trên các đường phố Mỹ cũng không bao giờ nhìn thấy xe buýt mang con số bị "kì thị" này.
Để loại trừ con số luôn được coi là xui xẻo, người ta nghĩ ra đủ mọi cách thay thế chúng. Nó có thể là "12-A", "12*" hoặc "12 +1", hay bất cứ thứ gì không phải "13". Tại các bệnh viện tâm thần, người ta phải "chế" hẳn thuật ngữ đặc biệt để chỉ người mắc chứng dị ứng với con số này, đó là "Triskaidekaphobia". Con số 13 rốt cuộc có tội tình gì mà lại bị "hắt hủi" đến vậy?
Truyền thuyết về con số này được người ta liên hệ nhiều nhất với sự tích Tiệc Ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Đã có 13 môn đồ ngồi với chúa hôm đó, trong số này có Judas. Trong Phúc Âm kể rằng, chúa Jesus hướng về phía môn đồ nói: "Không phải Ta đã chọn 12 người các con ư? Nhưng một trong số các con là quỷ". Và chính chương 13 của Phúc Âm John kể về sự phản bội của Judas.
Bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của Leonardo da Vinci
Mọi người đã sợ hãi và tin vào sự xui xẻo của con số 13 tới mức nghĩ ra nghề làm vị khách thứ 14. Tại Pháp, người đóng vai vị khách thứ 14 được mời tới khi không may gia chủ chỉ có 13 khách tới dự tiệc. Và cho đến nay trong khách sạn Statler ở Chicago vẫn có lệ: nếu tình cờ quanh bàn chỉ có 13 vị khách thì những người phục vụ ở đây sẽ đặt thêm một cái ghế thứ 14 và xếp vào đó một hình nộm trong y phục thực khách rất đàng hoàng cho "đẹp cỗ". Hình nộm này cũng được phục vụ ăn uống chu đáo như những vị khách khác và được gọi đùa bằng cái tên ngài Louis XIV.
Con số 13 cũng bắt nguồn từ một truyền thuyết của Na Uy về 12 vị thần dự tiệc tại thiên đường Valhalla. Khi đó một vị khách không mời thứ 13 xuất hiện, thần tinh quái Loki. Tại đó, Loki đã ngầm liên kết với Hoder, thần bóng tối, bắn thần Balder xinh đẹp, vị thần mang lại niềm vui và hạnh phúc, bằng một mũi tên tẩm độc tầm gửi. Balder chết và cả Trái Đất chìm trong bóng tối và tang tóc. Đó là một ngày đen đủi, bất hạnh.
Loki bị trừng phạt
Lịch sử còn ghi lại nhiều tai họa mang con số 13 khiến người ta càng khiếp sợ con số này hơn: Quả bom nguyên tử đầu tiên do Mỹ ném xuống Nhật có sức công phá của 13 nghìn tấn thuốc nổ TNT; chất độc hoá học màu da cam do Mỹ sử dụng ở Việt Nam đạt tới khối lượng 13 triệu gallon; phi thuyền Apollo 13 được phóng lên hồi 13 giờ 13 phút ngày 11.4.1970 và đã gặp sự cố vào 19 giờ 13 phút ngày 13.4.1970 do bình chứa oxy phát nổ...
Một giả thuyết nữa được đưa ra để lý giải cho việc người ta không thích số 13 là vì nó đứng ngay sau số 12, một con số được coi là tròn trịa và hoàn hảo. Điển hình như việc có 12 tháng trong năm, 12 Cung hoàng đạo, 12 con giáp, 12 vị thần của Olympus, 12 sứ mệnh của Hercules, 12 tông đồ của Jesus…
Thứ 6
Vậy còn ngày thứ 6? Tại sao nó lại đi kèm với con số 13 để tạo ra "cặp đôi hoàn cảnh" về khái niệm may rủi trong quan niệm của nhiều người?
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ về Kinh thánh của đạo Thiên chúa và họ phát hiển ra ngày Eva đưa cho Adam ăn trái cấm tại Vườn địa đàng là vào ngày thứ 6, sự việc này đã khiến họ bị trục xuất khỏi đó.
Trận Đại hồng thủy Chúa dùng để trừng phạt loài người xảy ra vào thứ 6, ngôi đền của Solomon cũng bị hủy diệt vào ngày thứ 6.
Bức tranh vẽ cảnh đại hồng thủy trong Kinh Thánh
Nhắc đến thứ 6, không thể không kể đến sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh vào cây thánh giá. Các tín đồ của đạo Thiên chúa luôn coi thứ 6 là ngày xui xẻo do Chúa Jesus bị hành hình vào ngày này.
Chúa Jesus bị đóng đinh vào cây thánh giá vào thứ 6
Thứ 6 và số 13 đều gắn liền với những truyền thuyết và sự kiện không tốt trong lịch sử, bởi vậy khi kết hợp với nhau thành thứ 6 ngày 13, người ta có niềm tin mạnh mẽ về việc đây là một ngày "đại xui xẻo".
Trung tâm Kiểm soát sự gây stress (The Stress Management Center) và Viện Nghiên cứu những Ám ảnh (Phobia Institute) ước lượng có hơn 17 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi sự sợ hãi vào ngày này.
Theo Helino/Trí thức trẻ