Tin mới

Làm nhiều hơn, lương hưu ít hơn: Tội nghiệp người già

Thứ sáu, 09/05/2014, 11:51 (GMT+7)

Phản ứng với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) với những quy định mới về cách tính lương hưu, độ tuổi nghỉ hưu, hàng trăm độc giả cho rằng đó là quy định không phù hợp và cần cân nhắc kỹ càng.

Phản ứng với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) với những quy định mới về cách tính lương hưu, độ tuổi nghỉ hưu, hàng trăm độc giả cho rằng đó là quy định không phù hợp và cần cân nhắc kỹ càng.

Nam 60 và nữ 55 sức khỏe đã xuống cấp

Cách tính tuổi nghỉ hưu, như theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Cụ thể, dự thảo quy định là từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.

Độc giả Lê Thị Thu Thuận cho rằng, tuyệt đối không nên tăng tuổi hưu, vì “người lao động như chúng tôi trên 50 tuổi là bắt đầu bệnh đủ thứ, như nhức mỏi, chóng mặt... ”.

Một độc giả khác lập luận, sức khỏe của người Việt Nam sao bằng người châu Âu, châu Phi được nên cần giữ tuổi nghỉ hưu như cũ, nếu 65 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ mới được nghỉ hưu thì còn sức và trí tuệ đâu mà làm việc?. Lớp già nên nghỉ sớm để cho lớp trẻ có sức khỏe và trí tuệ vào làm việc cơ quan nhà nước năng động và phát triển đất nước hơn. Còn quỹ BHXH thì cần quản lý chặt chẽ việc đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp”.

Làm nhiều hơn, lương hưu ít hơn: Tội nghiệp người già

Nhiều người cho rằng nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay là phù hợp nhất (ảnh minh họa)

Vì thế, theo độc giả Nguyễn Anh Minh ([email protected]), tuổi nghỉ hưu nên lấy theo Luật BHXH cũ là hợp lý, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. “Một người lao động trực tiếp làm việc thật sự với nam đến 60 tuổi và nữ 55 tuổi cảm thấy sức khỏe xuống cấp toàn diện rồi, không còn sức nhiều nữa mà làm việc. Sức khỏe kém khi làm việc dể gây tai nạn, sự cố... ”.

“Theo tôi không nên tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động trực tiếp. Riêng lao động trong khối hành chính sự nghiệp, hết tuổi này ai còn khả năng công hiến thì chuyển sang làm chuyên gia tư vấn ăn lương theo hợp đồng lao động, với tiêu chí khuyến khích lực lượng trẻ tham gia điều hành đất nước, chấm dứt tình trạng sống lâu lên lão làng, bắt BHXH phải trả lương cao khi nghỉ hưu” - độc giả Anh Minh viết.

Chưa kể, nhiều độc giả còn bày tỏ sự nghi ngờ, rằng với những người lao động nặng nhọc muốn nghỉ ngơi sớm thì vẫn phải đi làm để lo cơm áo gạo tiền, trong khi sức khỏe đã yếu. Còn những người là nhân viên văn phòng nhàn nhã, hay lãnh đạo, người có quyền chức, phải chăng nghỉ hưu muộn là giúp kéo dài thời gian đương nhiệm?

Do đó, độc giả Hà Tấn Nguyện ([email protected]) kiến nghị, có thể cho phép người lao động tiếp tục làm việc đến tuổi như dự kiến (nam 62; nữ 60-62) song chỉ áp dụng với những lao động đủ năng lực, hoạt động chuyên môn... Những đối tượng không đủ năng lực, những người làm công tác quản lý (có chức quyền) thì tuyệt đối không được kéo dài thời gian làm việc.

Một độc giả khác có địa chỉ email [email protected], cho hay “nam giới 60 tuổi, nữ giới 55 tuổi nghỉ hưu là đẹp nhất (đúng với chu kỳ sinh - lão - bệnh - tử) và để cho con cháu cống hiến. Tụi nhỏ có học, có kiến thức hiện đại phù hợp với xã hội phát triển hiện nay. Chúng ta đừng vì lợi ít - tham quyền cố vị và đừng nghĩ có kinh nghiệm - xưa rồi, càng có kinh nghiệm càng bảo thủ cố chấp”.

Vỡ quỹ lương: Đừng đổ cho người già

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH lý giải về việc phải tính lại độ tuổi nghỉ hưu, cách đóng bảo hiểm xã hội như trong Dự thảo Luật BHXH là để tránh vỡ quỹ hưu trí, bởi số ít người đóng cho số nhiều người hưởng.

Theo độc giả Nguyễn Thị Hạnh ([email protected]), khi một Chính sách ra đời cần xem xét tác động nhiều mặt của nó tới xã hội. Vấn đề thất nghiệp ở người trẻ, điều kiện tâm lý sức khỏe của người Việt Nam, cấu trúc gia đình Việt, vấn đề an sinh xã hội, mức sống của người về hưu... , chứ không nên đơn thuần chỉ là để không vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Khi mức đóng bảo hiểm xã hội là bắt buộc, cả với chủ sử dụng lao động và người lao động, việc giảm lương hưu và tăng tuổi hưu làm người lao động cảm thấy như bị cưỡng đoạt.

Theo độc giả Nguyễn Văn Pha ([email protected]), nguyên nhân chính gây vỡ quỹ là do gần 60% số người nằm trong diện bắt buộc đóng bảo hiểm nhưng không đóng. Lỗi này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tại sao lại chữa cháy bằng cách tăng tuổi hưu gây ra nhiều hệ lụy như dư luận đã lên tiếng?

Có 3 lý do, theo độc giả Minh Nguyễn ([email protected]), chứng tỏ quỹ bảo hiểm vỡ là do quản lý kém: thứ nhất, đóng bảo hiểm không theo lương thực nhận mà theo lương tối thiểu; thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động nhưng nhà nước không có biện pháp xử lý; thứ ba, cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm năng lực kém, không biết đầu tư để tăng quỹ.

Nhiều độc giả cũng thắc mắc, tại sao trong khi Bộ Nội vụ vừa trình đề án giảm biên chế công chức viên chức (khoảng 100.000 người, trong đó 80% nghỉ hưu trước tuổi) thì “hài” và “trớ trêu” thay, Bộ LĐ-TB&XH lại đề nghị tăng tuổi về hưu và giảm lương hưu” - độc giả Trần Quốc Bình ([email protected]) viết.

Chính vì vậy, nhiều người đồng tình với đề xuất của độc giả có địa chỉ email [email protected]: “cần mở một diễn đàn để đông đảo nhân dân góp ý”.

 

Ngọc Hà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news