Có bầu lần 2 với bạn trai, T. lại đi phá thai chui để giải quyết "hậu quả" đã được 18 tuần tuổi với suy nghĩ "thai chưa lớn mấy, phá có sao đâu, với lại bọn em còn đi học".
Trong khi dò hỏi về những điểm phá thai chui ở Đà Nẵng, một bác chạy xe ôm trên đường Ông Ích Khiêm mà tôi gặp khuyên: “Làm thế ác lắm, mà sao bây lại bỏ con của mình?”. Vì sao họ lại từ bỏ con của mình, câu hỏi đó khiến tôi ray rứt.
Nét mặt thản nhiên, cô bé chưa tròn 18 tuổi ngồi chờ đến lượt để được phá thai, trong khi đó, người mẹ ngồi bên cạnh, mắt đỏ hoe vì lo lắng. Bà ngần ngại kể, cô con gái mới lớn của mình học đòi bạn bè yêu sớm, rồi có thai với bạn trai cũng chưa đầy 18 tuổi. Từ Quảng Nam, bà phải giấu cả gia đình để dẫn con đi giải quyết hậu quả.
“Việc này lộ ra thì ba nó đánh chết. Làm chuyện này tôi cũng khổ tâm lắm nhưng mà còn tương lai, rồi chuyện học hành của nó sau này nữa”, người mẹ nói, nỗi lo lắng hằn trên khuôn mặt.
Đó là câu chuyện mà tôi bắt gặp trong một trung tâm chăm sóc phụ nữ mang thai ở Đà Nẵng. Nó khắc họa thực trạng hiện nay, khi những người trẻ xem chuyện nạo phá thai trở nên bình thường và giản đơn.
Những thai nhi chôn trộm ở nghĩa trang Gò Cà, được những người dân thương tình xây cho nấm mộ.
Bà Lê Thị Phước, Phó giám đốc Trung tâm viện phát triển cộng đồng Light (Đà Nẵng), người có nhiều năm chăm sóc sức khỏe sinh sản kể câu chuyện vui nhưng đáng suy ngẫm: “Một ngày có cậu học trò dẫn hai bạn gái đến phòng khám để phá thai, khi kiểm tra thì một cô có thai thật, hỏi sao lại yêu lúc hai cô, cậu học trò tỉnh queo trả lời “vì hai đứa nó thích con nên yêu luôn”. Kể chuyện này để thấy rằng, tuổi vị thành niên hiện nay yêu và chấp nhận quan hệ tình dục sớm, nhưng lại thiếu kiến thức phòng tránh. Vì vậy mà tỷ lệ nạo phá thai ở người trẻ cao”.
Khi thực hiện bài viết này, tôi đã trò chuyện với nhiều cô gái đã từng phá thai, tất cả họ đều nói rằng nếu giữ lại sẽ mất tương lai và bị gia đình, bạn bè xa lánh. Nhưng đó chỉ là nguyên cớ. Từ tỉnh Đắc Nông, cô gái phố núi T. ra Đà Nẵng theo học một trường đại học và ở đây T. gặp và yêu một chàng trai.
Để chứng tỏ tình yêu, cả hai cùng dọn về sống chung trong một phòng trọ, thề thốt rằng sẽ cưới nhau khi ra trường. Sau một thời gian mặn nồng, T. phát hiện mình có thai nên đi phá. Đến lần thứ 2, T. lại có thai và lần này thai đã được hơn 18 tuần dù vậy T. và bạn trai vẫn tìm đến cơ sở phá thai chui để giải quyết hậu quả với suy nghĩ “thai chưa lớn mấy, phá có sao đâu với lại bọn em còn đi học nên không thể sinh con”.
Quan niệm sống thay đổi, nên thế hệ trẻ như T. xem chuyện sống thử, quan hệ tình dục, có thai rồi phá không phải là chuyện ghê gớm nữa. Bởi họ cho rằng, thai nhi chưa là người nên không có quyền con người. Lối suy nghĩ đó đã khiến cho hàng vạn sinh linh bé nhỏ bị tước đoạt đi quyền sống. Mỗi khi giải quyết xong hậu quả, những cặp đôi cứ thế lặng lẽ đi và thuê người đi chôn cất bào thai. Vì vậy, tại các nghĩa trang Hòa Sơn hay Gò Cà, ngày càng có nhiều ngôi mộ nhỏ xíu, nằm hiu quạnh bên rìa những khu đất vô chủ.
Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở phụ nữ trong độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Với con số "kinh hoàng" như vậy, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á và xếp thứ năm thế giới về tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên.
Bác sĩ Huỳnh Bá Tân, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đà Nẵng cho biết, có rất nhiều phụ nữ ở các địa phương khác đến Đà Nẵng để nạo phá thai, bởi họ sợ điều tiếng ở quê nhà, phần lớn là Quảng Nam, Huế và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo những con số thống kê được, thì năm 2012 có gần 8.500 trường hợp, năm 2013 có hơn 6.000 ca nạo phá thai được thực hiện ở Đà Nẵng. Trong đó năm 2013 có 154 ca là dưới 20 tuổi, năm 2012 là gần 250 ca dưới 20 tuổi. Dù thấp hơn nhiều địa phương khác, nhưng việc nạo phá thai ở Đà Nẵng vẫn là vấn đề nhức nhối.
“Có nhiều trường hợp đến trung tâm để chấm dứt thai kỳ nhưng vì thai lớn quá nên chúng tôi khuyên giữ lại, nhưng tôi biết họ vẫn tìm đến các cơ sở phá thai chui. Không ít bạn trẻ bây giờ xem chuyện phá thái là bình thường, mà không nghĩ đến những hậu quả về sau này”, bác sĩ Tân nói.
Cháu trai bị bỏ rơi trên tuyến đường từ Đà Nẵng về Điện Bàn, được người dân bồng vào bệnh viện cứu chữa.
Nếu như chuyện phá thai là do hoàn cảnh, thì việc bỏ rơi con thật không hiểu vì sao. Sư cô Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu (xã Hòa Châu, Hòa Vang) kể câu chuyện buồn: Cách đây chưa lâu, có một cô sinh viên quê ở miền Bắc, do thai lớn không phá được nên được sư cô Minh Tịnh dẫn về chùa ăn, ở để chờ ngày sinh nở. Sau khi sinh đôi được 2 đứa bé, cô gái nói sẽ bồng về cho gia đình mình nuôi để tiếp tục vào Đà Nẵng học, nhưng trên đường đi người mẹ trẻ đã bán 2 con mình cho người khác. Và cũng mới đây thôi, một bé trai chưa đầy 10 ngày tuổi bị bỏ rơi bên một gốc cây ven đường QL1A, đoạn giáp Đà Nẵng với H. Điện Bàn.
May mắn là em được người phụ nữ tốt bụng, ôm đến Bệnh viện Hoàn Mỹ cứu chữa, trong tình trạng tím tái. Những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra và nó khiến người nghe nhói lòng, thương cảm và không hiểu tại sao cha mẹ lại có thể bỏ con mình như vậy. Và câu chuyện dưới đây của cậu bé Đức Quốc, khiến tôi trăn trở mãi.
Số là khi được ba mẹ nuôi người Pháp dẫn về thăm lại trung tâm nuôi dưỡng cô nhi (Hội Bảo trợ trẻ mồ côi và người khuyết tật TP Đà Nẵng), nơi từng nuôi mình, Đức Quốc đã để lại địa chỉ và dặn các cô chăm trẻ: “Khi nào bố mẹ ruột có đến tìm, các cô nhớ hỏi giúp cho con địa chỉ, để sau này con về hỏi vì sao mẹ bỏ con”.
Theo Hoàng Anh/Công an Đà Nẵng