Có người bảo tôi, thời gian mang bầu bạn là hoàng hậu, đến khi sinh con xong bạn là nô tỳ phải nghe đủ các lời dạy bảo. Lúc nghe câu này thì chỉ ậm ừ cho qua, nghĩ sao mà ví von ghê thế. Sinh con, được làm mẹ, được ôm ấp con trong vòng tay của mình cực kỳ hạnh phúc chứ sao, gì mà tự nhận mình là nô tỳ.
Nhưng giờ tôi cũng dần hiểu ra. Vừa sinh nở xong, cơ thể còn mệt mỏi, lo lắng, stress đủ thứ, ấy thế nhưng, tôi lại phải nghe đủ lời khuyên dạy từ hàng tá khách tới thăm.
Tất nhiên rằng, lần đầu làm mẹ ai cũng có những thiếu sót và rất cần kinh nghiệm, lời khuyên từ mọi người. Nhưng bạn thử nghĩ, mỗi người sẽ cho bạn một lời khuyên khác nhau, một kinh nghiệm khác nhau. Bạn sẽ bị rối trong cái mớ bòng bong không biết đường đâu mà lần. Bạn không biết rằng đâu là tốt và nên theo cách nào.
Bạn thử tưởng tượng, ngay sau khi xuất viện về nhà, những vết thương đau âm ỉ và cơ thể vừa vắt kiệt sức không ngóc dậy nổi mà phải nghe những câu nói "ra rả" bên tai: "Ôi đẻ xong phải đi lại, vận động chứ nằm im không tốt đâu". Một người khác lại vào khuyên: “Mới sinh xong nằm yên một chỗ nghỉ ngơi cho lại sức”.
Ôi thôi, thế điều gì là đúng, bạn nên đứng dậy đi lại hay nằm nghỉ ngơi.
Chăm con không phải là cuộc chiến, phải nghe những lời "sát thương" mới là cuộc chiến của mẹ bỉm sữa.
Mới sinh xong, sữa chưa kịp về. Bạn sẽ được “truyền” cho những bài thuốc lợi sữa, những món ăn béo bổ. Và kết cục là bạn cũng không biết thứ gì tốt nhất nghiễm nhiên bạn trở thành “chuột bạch”. Nào là: Ngày ngồi 2 - 3 tiếng kích sữa; uống ngũ cốc lợi sữa, uống chè vằng đi tốt lắm đấy; ăn cháo với loại thuốc đông y này sữa về ầm ầm luôn; ăn cháo sú giò nhiều sữa lắm.
Đấy chỉ nghe thôi bà đẻ đã muốn “xỉu” rồi chứ chưa nói gì đến việc kiểm tra xem những kinh nghiệm kia có đúng hay không?
Mới chỉ việc nghỉ ngơi và ăn uống, bạn đã thấy mỗi người một kiểu rồi đúng không. Thế nhưng những câu nói đơn giản dưới đây còn như “xát muối” mà người đời vô tư “gửi” đến bạn.
- Bà đẻ mà ăn ít thế này, lấy đâu ra sữa cho con: Vừa sinh xong, sức khỏe chưa lại, làm sao các bà đẻ có thể ăn uống như thời mang bầu được. Thay vì chê bai, có thể động viên “ăn được chút thế là tốt rồi, bé cũng chưa bú được nhiều đâu” nghe có ấm lòng không cơ chứ.
- Sao con còi thế, cả tháng lên có vài lạng thế này con nhà người ta tháng đầu lên 1,5kg kia kìa, sữa mẹ xấu rồi: Mỗi đứa trẻ có cơ địa, khả năng hấp thụ thức ăn khác nhau hay do gen nên thể trạng cũng khác nhau. Nếu con ăn uống tốt, tăng cân đều, bụ bẫm thì không sao, con mà "còi" mặc dù nó nhanh nhẹn kiểu gì cũng bị dè bỉu. Cân nặng không phản ánh được con sức khỏe có tốt hay không? Nhiều trẻ bụ bẫm nhưng vẫn ốm đau liên tục. Chính vì vậy, các bà mẹ nên theo dõi con cả chu vi vòng đầu, phát triển chiều cao của con.
- Sữa loãng rồi cho con ăn sữa ngoài cho béo: Câu nói làm tổn thương trái tim của bà mẹ bỉm sữa. Ai cũng muốn đem lại điều tốt nhất cho con nên khi nghe câu này cảm thấy tổn thương sâu sắc. Người thốt ra câu nói này cũng không biết rằng: Các nhà dinh dưỡng tư vấn cho trẻ bú ti mẹ đến lúc 2 tuổi. Dù sữa mẹ có loãng thì vẫn chứa kháng thể giúp con đẩy lùi bệnh tật.
Khi con ngủ thì còn cả tá công việc không tên khác đang chờ mẹ bỉm sữa.
- Tranh thủ lúc con ngủ mà ngủ đi: Những tháng đầu chăm con, bà mẹ nào mà chẳng mệt mỏi bởi sức khỏe chưa lại và cũng chưa quen với việc dậy đêm hôm cho con ăn, thay bỉm cho con.
Chính vì vậy, lúc con ngủ ai chả muốn nằm ngủ cùng con luôn. Nhưng còn bao việc phải lo: Giặt giũ, dọn dẹp, làm đồ ăn, tranh thủ ăn cơm, tắm gội, để ý con… thì thời gian đâu mà ngủ.
- Có mỗi việc trông con mà cũng kêu mệt, lúc nào cũng kêu buồn ngủ thế: Xin thưa, trông con không chỉ là ngồi… trông con mà là ti tỉ thứ việc khác, có ai hiểu cho những vất vả của các bà mẹ bỉm sữa.
Mỗi bà mẹ bỉm sữa sẽ có những câu nói khác nhau làm tổn thương mình. Trên đây là những câu nói chung nhất mà hầu như bà mẹ bỉm sữa nào cũng gặp phải.
Ở nhà trông con, quẩn quanh cả ngày công việc bỉm sữa, việc nhà, lo toan và hàng ngàn áp lực... thế nên đừng nói những câu phán xét như thế với các bà mẹ bỉm sữa. Câu nói đó sẽ khiến các mẹ tủi thân, thu mình vào và trầm cảm hơn.