Tin mới

Làng "đu dây" vượt sông giữa lòng Hà Nội

Thứ tư, 12/03/2014, 17:06 (GMT+7)

Với chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, 'người lái' dùng 1 sợi dây nối hai bên bờ sông để kéo. Đây là phương tiện “đánh đu” qua sông Nhuệ hơn nửa thế kỉ của người dân Ngọc Liễu, Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội.

Với chiếc thuyền nhỏ, cũ nát, 'người lái' dùng 1 sợi dây nối hai bên bờ sông để kéo. Đây là phương tiện “đánh đu” qua sông Nhuệ hơn nửa thế kỉ của người dân Ngọc Liễu, Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội.

 

Mưa phùn tầm tã nhiều ngày nhưng những chuyến đò ngang vượt sông Nhuệ vẫn nặng trĩu người sang.

Ông Nguyễn Văn Tuân (Ngọc Liễu, Thường Tín Hà Nội), nhà ngay sát bến đò cho biết: "Chúng tôi mong mỏi có cây cầu lâu lắm rồi. Nghe nói nhà nước định xây từ năm ngoái, thấy mấy người về đo đo đạc đạc xong rồi vẫn chưa xây. Hiện cả tất cả các hộ dân quanh đây chỉ có duy nhất chiếc đò này để "vượt sông". Đây là đò dân sinh, tự người dân tạo ra nhưng lại là cách qua sông duy nhất ở đây".

Làng

Các em học sinh tại thôn Ngọc Liễu phải đu dây qua sông để đến trường.

Thôn Ngọc Liễu nằm ven con sông Nhuệ, nếu không đi qua đò, người dân sẽ phải đi xa hơn khoảng 3km và chủ yếu là đường đất rất khó đi. “Nếu trời mưa, đường trơn, nhiều người từng bị ngã”, ông Tuân chia sẻ thêm.

Con đò hiện tại đang chở khách tại thôn Ngọc Liễu cũng có “tuổi thọ” trên 20 năm. Việc hư hỏng, bục đò khi đang vận chuyển người qua sông là điều chẳng ai nói trước được. Nhiều lần chở quá số lượng người, chủ phương tiện phải huy động hơn 20 thanh niên mới kéo được đò lên bờ. Số lần người bị ngã xuống sông là không thể kể hết. Trường hợp tai nạn thương tâm thì chưa xảy ra. Tuy vậy, do nguồn nước ô nhiễm nên nhiều người được vớt lên về nhà cũng phát bệnh vì uống phải nước sông Nhuệ. “Điều khiến người ta lo ngại nhất, tại đây còn có một lượng lớn học sinh đi đò đu dây tới trường mỗi ngày. Đã nhiều lần lái đò tuột dây khiến học sinh hoảng loạn. May mắn có người cứu giúp nên không có chuyện đáng tiếc xảy ra”, bà Năm - 71 tuổi, người làng Ngọc Liễu chia sẻ.

Trước đây mọi người qua sông thường đi bằng thuyền nhỏ có người chèo qua. Tuy vậy, khi có các phương tiện lớn hơn như: Xe đạp, xe máy người ta đã sáng tạo ra con đò to hơn và được kéo bằng dây. Chị Vân, người thường xuyên vào khu vực nội thành buôn bán chia sẻ: "Biết qua sông kiểu này rất nguy hiểm nhưng vẫn phải lựa chọn. Ngày nào tôi cũng phải qua đây ít nhất là 2 lần. Tôi đi chợ Đồng Quan, nếu không qua đò chí ít cũng phải mất hơn 1 tiếng. Còn qua đò chỉ mất vỏn vẹn 5 phút".

Hình ảnh học sinh "đu" dây đến trường, người dân "vượt" sông tại Ngọc Liễu, Thường Tín, Hà Nội:

Làng

Mỗi ngày hàng trăm người dân làng Ngọc Liễu, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, phải oằn lưng “đu dây” qua sông Nhuệ.

Làng

Nhiều em nhỏ khoảng 4, 5 tuổi đã quen với cảnh đi đò dây qua sông cùng chiếc thuyền không có mái che, không mui, không động cơ mà chỉ dùng sức người để... kéo.

Làng

Con đường đến trường vất vả với bao hiểm nguy nhưng các em vẫn cố gắng hết sức để tìm đến con chữ với mong muốn thay đổi cuộc đời.

Làng

Em Lê Văn Toàn - 14 tuổi, học sinh trường THCS Đồng Quan (Thường Tín, Hà Nội) biết lái dò từ khi 6 tuổi. "Ngày 2 buổi tới trường, em đã quen với cảnh đi lại như thế này rồi", Toàn chia sẻ.

Làng

Chị Vân bày tỏ nguyện vọng của người làng Ngọc Liễu: "Không có gì bằng một cây cầu liền với xã. Đó là niềm vui sướng vạn đại của bao thế hệ trong làng. Khi đó, các cháu nhỏ có thể đi học đúng giờ. Chúng tôi đi chợ cũng đỡ vất vả hơn..."

Làng

Hai vợ chồng ông Tuân, bà Năm đã có "thâm niên" hơn 50 năm vượt sông bằng đò dây để đi bán hàng kiếm sống.

Làng

Ông Tuân cho biết: "Mỗi khi trong làng có người xây dựng gia đình, họ phải chuẩn bị dây thừng chắc chắn trước cả tuần. Việc lựa chọn ngày không mưa cũng được coi là một thành công lớn. Đồng thời, phải phân công hẳn một người khỏe mạnh chỉ túc trực để đưa đón người nhà, anh em bạn bè tới mừng.  Lúc rước dâu, đón rể thì gia chủ phải tính toán lượng khách sao cho việc di chuyển đúng giờ".

Làng

Cả làng chỉ có một con đò nên nếu ai "lỡ" tới bến muộn sẽ phải ngồi chờ đến khi đò quay trở lại. Một số hộ dân cũng tự sắm những chiếc đò nhỏ để làm phương tiện "vượt" sông.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news