Clip được bác sĩ Trịnh Minh Thế, Trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng ghi lại. Còn người ôm đàn là bác sĩ Nguyễn Quý Thiện - khoa nội tiêu hóa, đồng nghiệp của bác sĩ Thế.
Theo bác sĩ Thế chia sẻ, những ngày giữa tâm dịch, tranh thủ giờ nghỉ trưa là ông lại đăng những bài viết chia sẻ, khích lệ tinh thần mọi người.
"Clip về bài hát này vừa trưa nay, sau giờ ăn. Tôi chỉ muốn tăng nhuệ khí cho anh em nên đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Trong bối cảnh dịch bệnh chỉ mong mọi người cùng được khích lệ tinh thần", trên Tuổi trẻ dẫn lời bác sĩ Thế cho biết.
Được biết, ca khúc 'Đà Nẵng ngày bão dông được phổ từ bài thơ của vợ bác sĩ Thế viết, đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.
Nhân viên y tế xếp hàng tăng cường hỗ trọ cho các đồng nghiệp. Ảnh: FB
Ca khúc mở đầu bằng những lời tự sự: "Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông, hàng triệu trái tim nghiêng mình về nơi ấy. Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại. Cả nước đồng lòng chắc bão sẽ tan mau…", và điệp khúc là tiếng gọi "Đà Nẵng ơi, Đà Nẵng ơi! Bao nhiêu con tim cùng chung nhịp khắc khoải. Chiến thắng trận này cả nước mừng vui. Chiến thắng trận này anh lại về bên em",...
Có thể thấy, nội dung bài hát dày đặc những tâm tư mà các bác sĩ tuyến đầu chống dịch phải đối mặt khiến người nghe vừa xúc động vừa cảm phục.
Bác sĩ Thế cho biết, bối cảnh sáng tác bài thơ này chính là ngày Bệnh viện C Đà Nẵng nhận lệnh phong tỏa.
Bác sĩ Thế gặp vợ qua cánh cổng bệnh viện. Ảnh: FB
"Chiều hôm 24/7, dù bệnh viện huy động sớm nhưng tôi không nghĩ sẽ phong tỏa. Đến khi biết lệnh phong tỏa khẩn không ai được ra khỏi bệnh viện, vợ tôi đã cấp tốc đưa đồ cá nhân đến cổng rồi vội vã quay về. Nhìn theo bóng vợ, tôi chỉ kịp chụp vội tấm hình vợ đứng ngoài cổng", bác sĩ Thế nói và cho biết cũng từ giây phút xúc động ấy, vợ ông đã sáng tác bài thơ "Đà Nẵng ngày bão dông".
Về phía bác sĩ Nguyễn Quý Thiện - khoa nội tiêu hóa BV C Đà Nẵng cũng cho biết khi đọc được bài thơ của bà Uyển, vợ đồng nghiệp, ông đã rất thích và ấn tượng.
Bài thơ lập tức ngay sau đó được ông Nguyễn Minh Châu, một người bạn của họ phổ nhạc.