Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng và cần loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh.
Theo tin tức trên báo điện tử VnExpress dẫn lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo cho biết, lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.
Lễ hội chém lợn tại Ném Thượng - Bắc Ninh. |
Theo ông Nên, việc tổ chức lễ hội cần được dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng; đồng thời, đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự da dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.
Bộ trưởng cho biết thêm, trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn, cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp.
“Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH-TT-DL phối hợp các ngành, địa phương tổ chức tọa đàm để đánh giá các lễ hội, cái gì tốt đẹp thì phát huy, nhân rộng; cái nào không còn phù hợp, không còn tốt đẹp, giá trị không cần thiết thì nên xem xét, lên án. Văn hóa lễ hội có nhiều cấp độ và cần nhìn nhận và làm rõ”, VOV dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên.
Trước đó, ngày 27/1, Tổ chức Động vật châu Á đã gửi thư ngỏ kêu gọi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng.
Đề xuất đã gây làn sóng tranh luận. Các nhà văn hoá thì cho rằng không nên áp đặt quan điểm phương Tây cho tín ngưỡng dân tộc.
Nhiều người dân Ném Thượng và người dân Bắc Ninh đều cho rằng, lễ hội là bản sắc văn hóa địa phương bao đời nên không thể có chuyện “bị ép bỏ”.
Theo P.V/Đời sống & Pháp luật