Lễ hội truyền thống tập trung vào việc giết mổ những con lợn tại Việt Nam và Đài Loan khiến những người bảo vệ động vật phẫn nộ. Đặc biệt là khi người dân bản địa tin rằng máu của những con vật được mang đi làm lễ có thể mang lại may mắn cho họ.
Hàng nghìn du khách tụ tập tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh để chứng kiến cảnh 2 con lợn bị chém làm đôi chỉ với một dao trong lễ hội Chém lợn. Trong khi đó, tại thành phố Tân Bắc (New Taipei City), Đài Loan, xác 5 con lợn to lớn cũng được mang ra trưng bày giữa đám đông. Chủ nhân của con lợn to béo nhất sẽ nhận được cúp
Chu Tseng-hung, người đứng đầu Hội Động vật và Môi trường Đài Loan nói: “Chúng tôi cực lực phản đối cuộc thi “thánh lợn”. Những người nông dân đã dùng phương pháp vô nhân đạo để ép con lợn ăn cho tăng cân”.
Ông Tuan Bendixsen, giám đốc Quỹ động vật châu Á tại Việt Nam cũng cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến làn sóng phản đối sự tàn bạo lan rộng trong người dân Việt Nam cũng như các chính khách. Những người hành xử (trong lễ hội) bất chấp sự đồng tâm (phản đối) này và vin vào văn hóa như một cái cớ. Sự thiếu sót trong luật chống ngược đãi động vật cũng đã thúc đẩy điều này”.
Tại 2 nơi, cho đến nay, lễ hội Chém lợn tại Việt Nam là đẫm máu nhất.
Lễ hội Chém lợn tại làng Ném Thượng, Bắc Ninh
2 con lợn được diễu hành quanh làng Ném Thượng trong tiếng trống đập dồn dập và tiếng tù và trước khi bị ném xuống sân đình và bị chém làm đôi dưới sự cổ vũ của khán giả.
“Các cụ nói, lễ hội là việc của làng và nghi thức chém lợn không vi phạm pháp luật nên phải để dân làng tự quyết. Chúng tôi muốn giữ bản sắc của cha ông", ông Nguyễn Đình Lợi, Hội trưởng Hội người Cao tuổi làng Ném Thượng trả lời báo chí địa phương.
Sau khi những con lợn bị giết, dân làng nhúng tiền vào vũng máu với niềm tin rằng làm như vậy sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho năm mới.
Lễ hội chém lợn đã diễn ra trong nhiều thế kỷ vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch.
Người dân địa phương và các nhà sử học nói rằng lễ hội diễn để tưởng nhớ vị tướng chống giặc ngoại xâm Đoàn Thương ở thế kỷ 13, người được xem là thành hoàng làng của Ném Thượng.
Nhưng nhiều người dân tại Việt Nam, nơi mà quyền động vật tuy còn mới mẻ song ngày càng được quan tâm đang dần tỏ ra khó chịu với lễ hội tàn bạo này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trước đó đã kêu gọi dân làng giảm bớt sự đẫm máu trong các nghi thức hiến tế.
Lễ hội “Thánh lợn” của Đài Loan nhằm tưởng nhớ ngày sinh của vị thần Zushi của đạo Lão.
Còn đây là hội "Thánh Lợn" ở Đài Loan
Được tổ chức tại sân đền mang tên ông ở phía bắc huyện Shansia, nghi lễ này đã bị các nhà hoạt động lên án là phi nhân tính.
5 con lợn, bị giết chết từ tối hôm trước, được rước tới sân đền vào sáng hôm sau trong tiếng cồng chiêng, tù và. Con lợn nặng nhất gần 714 kg.
Những con vật được gắn đồ trang trí, lông được cạo thành các hình hoa văn, đặt nằm sấp trong những xe sơn màu rực rỡ, miệng được nhét đầy trái dứa.
“Những con lợn là để bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn trọng của chúng tôi với thần Zushi”, Huang Chun-chi, người làm việc trong đền nói với báo chí.
Sau lễ hội, xác các chú lợn được chủ nhân đưa về nhà, thịt chúng được phát cho bạn bè, gia đình và hàng xóm gia chủ.
Các nhà bảo vệ động vật nói những con lợn bị nhốt trong những thùng nhỏ và bị đánh vào mõm để ép ăn. Nhưng thần Zushi rất được tôn sùng ở miền bắc Đài Loan, nghi lễ này cũng kéo dài hàng trăm năm nay, được nhiều nhà tổ chức và những người thờ phụng bảo vệ mạnh mẽ.
“Truyền thống này đã bị một số nhóm bảo vệ động vật xuyên tạc”, ông Lee Kai-jui, một trưởng khu phố tại quận Shansia, đồng thời là người chiến thắng trong lễ hội năm nay nói.
“Lợn của chúng tôi được nuôi lớn bình thường. Tôi không bao giờ ép nó ăn”, ông nói thêm và tỏ ra rất tự hào về con vật của mình.
“Việc tổ chức nghi lễ này gắn kết mọi người lại với nhau. Củng cố lại xã hội di cư như Đài Loan qua hàng trăm năm”.
Nghi thức này cũng diễn ra tại 20 ngôi đền Đạo giáo khác trên đảo vào những dịp khác.
Bảo Linh (tin tức bangkokpost)