Bị lừa tiêm “mỡ nhân tạo” nhưng thực chất là silicon lỏng, đến khi nhận ra sự thật thì ngực người phụ nữ đã chảy xệ và đau đớn nặng nề. Hạnh phúc gia đình chị cũng suýt tan vỡ.
Đó là trường hợp của chị Đ.N.B (37 tuổi, ngụ TP.HCM). Sau khi sinh con thứ hai, chị được bạn thân giới thiệu đến một spa tiêm mỡ tự thân lên ngực . Biết người phụ nữ sợ đau lại không có thời gian nghỉ dưỡng, spa này quảng cáo cho chị B. phương pháp ghép mỡ nhân tạo với lời hứa hẹn "rất an toàn".
Tiêm mỡ nhân tạo khoảng 30 phút, chị thấy vòng 1 của mình khá gợi cảm.Tuy nhiên, sau đó khoảng 5 tháng, chị B. bắt đầu thấy ngực có dấu hiệu cứng, không còn mềm mại và ngày càng chảy sệ.
Ngực chị B. chảy xệ nặng nề sau khi bị lừa tiêm silicon lỏng.
"Tôi đến khám thì họ bảo thời gian từ từ sẽ tự nhiên. Nhưng cách đây 3 tháng tôi thấy ngực ngày càng đỏ, bầm và thâm, bóp vào thấy cứng và đau nhói" – chị B. kể. Quá hoảng sợ, chị B. tìm đến một bệnh viện (BV) thẩm mỹ tại quận 8 (TP.HCM) cầu cứu.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Phan Hiệp Lợi, người tiếp nhận trường hợp của chị B. kết luận chị đã bị "lừa", bởi thực tế thứ chị được tiêm vào là silicon lỏng chứ không có mỡ nhân tạo nào cả.
Silicon sau khi lấy ra khỏi ngực.
Để khắc phục tình trạng của chị B., bác sĩ phẫu thuật nạo lấy silicon kết hợp treo ngực và nâng túi. Chi phí ca phẫu thuật của chị lên đến gần 100 triệu đồng.
"Bệnh nhân nói vì đi bơm ngực lén lút, giấu chồng nên khi vùng ngực biến chứng bị chồng phát hiện, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn cãi vả rất nhiều. Suýt chút nữa họ đã ly hôn" – bác sĩ cho biết.
Theo bác sĩ Lợi, trung bình hằng tháng BV đều tiếp nhận từ 5-7 ca phẫu thuật nạo lấy silicon bơm vào cơ thể. Người lớn tuổi thường tiêm cách đây 3-10 năm (có người tiêm từ 20 năm trước) còn với giới trẻ thì thời gian thường rất ngắn.
Nhiều phụ nữ lớn tuổi tiêm silicon vào cơ thể từ rất lâu.
Một trường hợp tiêm silicon gây biến dạng mũi.
"Nguyên nhân hầu hết là do thiếu hiểu biết, không được tư vấn kỹ và do bị một số spa, thẩm mỹ trôi nổi lừa. Họ hay bảo chất tiêm vào là "mỡ tự thân" hoặc filler an toàn nhưng thực tế đó là silicon lỏng. Vị trí mà khách hay bị lừa tiêm nhất đó là môi, cằm, mũi, má và ngực. Thậm chí một số khách còn bị lừa tiêm vùng mông, mu bàn tay, hóc mắt…" – bác sĩ Lợi phân tích.
Như trường hợp của một cô gái trẻ, đến BV khi khuôn mặt bị biến dạng. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đây cô được một cơ sở thẩm mỹ lừa tiêm "mỡ tự thân" vào môi. Chỉ vài tháng sau, môi cô gái đã phồng lên và cứng đờ. Tiếp tục chịu đựng gần 1 năm nhưng vùng sưng lên không hề tan ra như hứa hẹn, nạn nhân mới biết đó là silicon giả danh.
Với trường hợp này dù ca phẫu thuật khắc phục hậu quả thành công, bác sĩ Hiệp khẳng định với bệnh nhân là môi cô gái không thể trở về hoàn toàn như lúc bình thường.
Phần môi tiêm siilicon bị biến chứng (trên) và sau phẫu thuật.
"Khách hàng tiêm môi là đối tượng mà bệnh viện tiếp nhận nhiều nhất, vì tiêm môi đơn giản, nhẹ nhàng, hầu hết ai cũng thích môi căng mọng gợi cảm. Có người tiêm môi cách đây chục năm, biết rõ đó là silicon từ đầu. Nhưng có nhiều bạn trẻ cũng bị lừa tiêm với quảng cáo sai trái khiến sau khi tiêm xong, họ gánh hậu quả nặng nề. Nhiều trường hợp silicon đã vón cục, biến dạng nặng nề, lấy ra gặp rất nhiều khó khăn" – bác sĩ chia sẻ.
Tiêm môi được nhiều chị em lựa chọn vì nhanh gọn và được quảng cáo hấp dẫn.
Nhưng môi chưa kịp gợi cảm thì đã phồng cứng, biến dạng.
Bác sĩ Lợi khuyên chị em phụ nữ khi muốn thực hiện một thủ thuật làm đẹp nào cần kỹ càng, đừng ham giá rẻ mà rước họa vào thân. Hiện nay silicon, filler trôi nổi tràn lan, do những người không có chuyên môn tự tiện tiêm cho khách hàng.
"Có nơi còn quảng cáo cho khách việc tiêm filler vào mông giá chỉ 6-7 triệu đồng, nhưng nói vậy mà khi lấy ra toàn silicon. Điều này là một sự lừa gạt trắng trợn, bởi mông chiếm diện tích rất lớn mà filler giá rất mắc, 1cc đã lên đến 100-200 USD. Hơn nữa tiêm filler không đúng kỹ thuật sẽ gây hoại tử da, nhiễm trùng biến dạng. Filler biến chứng rồi sẽ cứng như đá" – bác sĩ Lợi cảnh báo.