Theo tin tức từ Người Lao Động, ngày 18/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Chương Đại (SN 1994, ngụ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, ngụ xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), nghi phạm liên quan đến việc đổ dầu thải nguồn nước sông Đà.
Nước đầu nguồn dẫn tới Nhà máy nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu. Ảnh internet
Tại cơ quan công an, bước đầu Đại và Thám khai nhận ngày 6/10, được Vũ thuê lái xe tải từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty CP gạch, gốm sứ Thanh Hà (có địa chỉ ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) nhận 10 thùng chứa khoảng 10 m3 dầu thải, sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe và hàng.
Đến ngày 8/10, hai thanh niên trên cùng Vũ điều khiển 2 ôtô từ Hưng Yên tiếp tục vận chuyển các thùng chất thải đến địa bàn xóm Quyết Tiến (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn) rồi đổ các thùng dầu xuống đầu nguồn nước dẫn tới hồ Đầm Bài (nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Sông Đà), gây nên cuộc "khủng hoảng nước sạch" cho hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội những ngày qua.
Nguyễn Chương Đại (trái) và Hoàng Văn Thám tại cơ quan điều tra. Ảnh TNO
Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là cung đường di chuyển bất thường của xe ôtô và những kẻ đổ dầu thải "đầu độc" nguồn nước rất phức tạp. Bởi, nếu nhóm nghi phạm trên nhận dầu thải từ Công ty CP gốm, sứ Thanh Hà đi thẳng tới khu vực đổ dầu thải chỉ khoảng 71 km, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đông hồ.
Đến 2 ngày sau (ngày 8/10), nhóm này mới chở chất thải từ Hưng Yên với quãng đường khoảng 81 km lên tỉnh Hòa Bình, lén lút đổ chất thải, sau đó bỏ trốn. Như vậy, quãng đường nhóm này di chuyển lên tới 320 km.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tiến hành điều tra, xác định động cơ, mục đích của những người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
2 phương tiện nghi phạm tham gia vụ đổ trộm chất thải. Ảnh: Tri thức trực tuyến.
Cũng theo tin tức từ Tiền Phong, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đang tổ chức truy bắt Lê Đình Vũ (ngụ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành) được xem là kẻ chủ mưu đã thuê 2 người trên chở dầu thải tới xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để đổ xuống suối.
Nhìn nhận vụ việc này trên góc độ pháp lý, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định cơ quan điều tra cần làm rõ rất nhiều yếu tố như: Hành trình đổ chất thải của nhóm nghi phạm, mục đích xả thải ra nguồn nước để xác định nguyên nhân.
Ông Cường phân tích, thông thường chất thải nguy hại bị đổ trộm ra môi trường là của doanh nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải, hoặc hệ thống xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn, không tuân thủ quy định về thu gom chất thải nên phải đổ chất thải ra môi trường. Những doanh nghiệp này thường chọn nơi xả thải gần với trụ sở nơi họ đặt để thuận tiện.
Tuy nhiên, Lý Đình Vũ và 2 nghi phạm lại mang chất thải theo cung đường Phú Thọ mang về Hưng Yên rồi lại ngược lên Hòa Bình để đổ trộm vào đầu nguồn nước. "Họ vận chuyển chất bẩn hàng trăm km rồi xả ra khu vực suối đầu nguồn dẫn vào sông Đà, là nguồn cấp nước sạch cho hàng triệu người dân, đó là điều hết sức bất ngờ và khó giải thích", luật sư Cường nêu thắc mắc.