Có chiếc giếng hễ bước chân người đi nhanh qua là sẽ có bóng nước sôi mạnh hơn, có những chiếc giếng cổ hàng nghìn năm tuổi không bao giờ cạn...
Là một trong những câu chuyện kì bí ở Việt Nam mà cho đến giờ, các lý giải được đưa ra mới dừng ở mức tạm chấp nhận, vì thế giếng Sủi thuộc xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và một “giếng nước sôi” khác ở tỉnh Vĩnh Long vẫn là những câu chuyện rất cần lời giải thích cụ thể.
Những điều bí ẩn
Sư thầy Thích Tuệ Hạnh, trụ trì chùa Sùng Bảo, thuộc xã Xuân Dục cho biết, ở thôn Xuân Bản sát chùa Sùng Bảo có chiếc giếng cổ hàng nghìn năm tuổi. Chiếc giếng hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn và là nguồn nước cho cả làng sinh hoạt. Điều kỳ lạ là chiếc giếng cổ này lúc nào nước cũng trong mát và không bao giờ cạn.
Tương truyền khi quân phương Bắc xâm chiếm bờ cõi, chúng đã dùng bùa chú để trấn yểm long mạch tại đây, đó chính là chiếc giếng cổ của thôn Xuân Bản. Những người dân địa phương cũng truyền tai nhau câu chuyện mỗi khi bùa chú được thả xuống giếng thì đều bị nguồn nước sủi tăm cuốn trôi. Vì thế, người dân địa phương thường gọi giếng cổ này là giếng Sủi.
Lời giải những căn bệnh lạ do “mạo phạm” giếng thiêng
Giếng nước Sủi giờ đây không còn sôi như trước nhưng những câu chuyện liên quan tới chiếc giếng đặc biệt này vẫn được người dân nhớ mãi. Ảnh: Hà Thái |
Ông Tùng, ở thôn Xuân Bản cho biết, cái giếng cổ này đã nghìn tuổi rồi, trước đây nó là nơi cung cấp nguồn nước cho người dân quanh vùng. Quanh năm suốt tháng nước sủi lên mặt nước, như người ta đun nước sôi. Nước giếng chưa bao giờ cạn, trước đây trong vùng từng có những đợt hạn hán, nhưng giếng vẫn luôn đầy ắp nước.
Theo các cụ trong làng, xưa kia khi đào giếng dân làng nhờ thầy Phong thủy cao tay trong vùng, xem long mạch một cách cẩn thận. Thế nên mới đào được giếng có nguồn nước vô tận cho người dân sử dụng. Trước đây, các gia đình trong thôn mỗi ngày gánh hàng chục gánh nước về để ăn uống sinh hoạt, nước gánh đến đâu lại sủi bọt lên và đầy ắp. Có những người bị đau bụng chỉ cần uống nước giếng là bệnh tiêu tan”.
Trong quá khứ có người thôn Xuân Bản từng một lần mạo phạm giếng thiêng khiến không ít người dân trong thôn phải gánh chịu hậu quả. Số là khi thấy nước sủi bọt đục ngầu, nhiều người dân đã mang những vật dụng nặng trong gia đình tới ném xuống giếng, người thì lấy vợt khỏa nước để trong hơn, thế nhưng nước trong giếng lại càng sủi mạnh hơn nữa và cũng trong giai đoạn này nhiều người dân trong thôn bất ngờ bị mắc phải căn bệnh lạ khiến chân bị phù, có người tứ chi đều căng mọng nước.
Quá hoang mang họ đã lập bàn thờ tại giếng và cầu mong thần linh không tiếp tục trách mắng và giáng tai họa xuống người dân nữa.
Ông Tùng cho biết: “Giai đoạn đó người dân trong thôn ai cũng sợ vì họ đã mạo phạm thánh thần nên bị quả báo, bản thân người nhà tôi cũng có người bị mắc bệnh phù chân, chạy chữa mãi bệnh tình mới thuyên giảm…”. Những câu chuyện gây hoang mang trong dư luận liên quan đến chiếc giếng nước sôi ở thôn Xuân Bản không phải hiếm, thậm chí nhiều câu chuyện còn được thần thánh hóa thêm bởi chưa có lời giải thích cụ thể nhất.
Trên thực tế có một chiếc giếng nước sôi tương tự như giếng Sủi xuất hiện tại ấp 1, xã Thạnh An, huyện Hòa Thạnh, tỉnh Vĩnh Long. Kỳ lạ hơn, theo khẳng định của những người dân, nếu ai đó đi nhanh, mạnh quanh giếng thì lập tức, những bóng nước cũng sôi to và mạnh hơn. Từ điều kỳ lạ này, nhiều người cho rằng đây là giếng nước thần linh thiêng, vì thế nếu bất kính, dám xâm phạm sẽ chịu trừng phạt.
Theo ông Bảy ở ấp 1, xã Thạnh An những thông tin về chiếc giếng “nước sôi” là có thật, bởi thế ngày càng nhiều người ở các địa phương khác kéo về đây, mang theo lễ vật khấn vái cầu xin. Ông Bảy khẳng định: “Hầu hết những người đến đây lễ bái ở tỉnh ngoài. Họ vẫn cho rằng đây là nơi chứa nước thánh, cầu gì được nấy, thậm chí nước ở đây có thể trị được bách bệnh nên chẳng quản đường xá xa xôi, thậm chí có người múc nước ở đây lên rồi uống trực tiếp luôn cho tinh khiết”.
Là người sinh sống lâu năm trong vùng, thế nhưng khi được hỏi về giếng nước có từ khi nào thì chính ông Bảy cũng không biết rõ. Khi còn nhỏ, ông được nghe kể thời trước đây là một cái hồ rất rộng lớn, nhưng sau này nó chỉ nhỏ bằng cái giếng. Điều lạ là có những thời điểm hạn hán, nước cạn, chỉ còn trơ bùn dưới đáy nhưng những nước vẫn sủi bọt. Theo chị Út Nhật việc nhiều người tới đây xin nước thánh đã khiến cuộc sống của người dân ấp 1 bị đảo lộn, đã có nhiều dịch vụ ăn theo được dịp phát triển như cung cấp đồ lấy nước thánh, bán vàng, hương… “Tôi là người địa phương cũng cảm thấy lạ về giếng nhưng chưa dám tin đến mức cuồng tín như những người khách thập phương tới đây”, chị Út Nhật chia sẻ.
Giếng nước sôi tại Vĩnh Long sẽ sôi mạnh hơn khi có bước chân người. |
Lời giải
Từ vụ việc chiếc giếng nước sôi ở xã Thạnh An, đại diện chính quyền địa phương cho biết, hiện tượng nước sôi tự nhiên trong giếng có từ lâu. Khi bà con dùng lửa châm vào thấy phát sáng nên đã sử dụng làm chất đốt hàng ngày. Nhiều hộ gia đình trong ấp không có nước sử dụng, khi khoan giếng xong lại không thể dùng được do nước chua và có chất mặn. Vì vậy, từ giếng đã khoan đó bà con sử dụng làm hố gas, vì thấy như vậy sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên không phải chỗ nào khoan cũng có gas.
Đại diện phòng Tài nguyên Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long cho hay, sở dĩ hiện tượng nước trong giếng phát ra tiếng kêu ùng ục, phun trào bong bóng khí có thể do vùng đất này nằm trong vùng có trầm tích lâu đời. Khí gas mà người dân sử dụng là khí metan. Ngoài ra, hiện tượng các mó nước sôi ục ục là do chịu tác động giãn nở của khí nên bị phun trào ra khỏi mặt đất. Dưới lòng đất, nước ngầm không ngừng tiếp xúc với lớp nham thạch nóng chảy, nhiệt độ nước không ngừng gia tăng. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bong bóng khí và nhiệt lượng hình thành bên dưới không thoát ra được. Các bong bóng khí ấy ngày càng tích nhiều dần, áp lực ngày càng lớn. Khi áp lực đạt đến một ngưỡng nhất định, nước lại tiếp tục phun trào, khí này có thể dùng làm chất đốt như khí gas.
Trở lại câu chuyện của chiếc giếng Sủi ở xã Xuân Dục, trước thông tin nhiều người dân bị mắc bệnh lạ do mạo phạm giếng thiêng, các cán bộ y tế đã được cử về địa phương để khảo sát và cho rằng căn nguyên của chứng bệnh này do người dân dùng nguồn nước giếng có khí metan. Nước giếng sủi bọt có thể là do khí metan dưới lòng đất trào lên. Sau đó chính quyền địa phương khuyên người dân không nên ăn nước giếng đó nữa và vận động họ đào giếng ăn tại gia đình.
Đại diện UBND xã Xuân Dục cũng khẳng định, việc các cụ cao niên trong vùng vẫn nói giếng Sủi ở thôn Xuân Bản được ví như bụng của một con rồng, nên nước ở giếng không bao giờ cạn là có. Trước đây nước giếng sủi bọt lên nhiều, người dân trong thôn mang cối đập lúa ném xuống để ngăn chặn mạch nước sủi, nhưng cũng chỉ giảm được một phần nào. Người dân quanh vùng nhiều người thần thánh hóa giếng. Nhưng sau này các nhà khoa học về thôn, họ kiểm tra xác định ở giếng có một mạch khí metan. Thế nên, nước giếng luôn sủi bọt.
Ông Nguyễn Thế Thụ, giảng viên khoa Hóa trường CĐ Yên Bái người từng về giếng Sủi khảo sát cho hay: “Nước trong giếng chưa bao giờ cạn là sự thật. Còn việc nước sủi bọt nhiều là một hiện tượng. Khi hiện tượng chưa giải thích được thì người ta thường hay thần thánh hóa. Trên thực tế chính khí metan là nguyên nhân đã tạo ra hiện tượng sủi bọt tại chiếc giếng nước sôi này”.