Sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong "bài ca bánh nướng" (Thiêu Bính Ca) do vị đại thần nhà Minh Lưu Bá Ôn viết đã khiến hậu thế không khỏi thán phục.
Nói đến đại danh "thần cơ diệu toán", hậu thế sẽ nghĩ ngay tới những tên tuổi như Gia Cát Lượng, Quỷ Cốc Tử, Khương Thái Công… Và một trong những nhân vật có nhiều lời tiên đoán thành hiện thực nhất không thể không kể tới đại danh của Lưu Bá Ôn.
Di ngôn kỳ lạ của Lưu Bá Ôn trước lúc qua đời
Lưu Bá Ôn (1311 - 1375) tên thật là Lưu Cơ. Ông đóng vai trò là một trong những vị khai quốc công thần đời nhà Minh và nổi danh với tài tiên đoán như thần.
Sau khi Minh triều được thành lập, Chu Nguyên Chương lên ngôi. Mặc dù có tiếng là "thương dân như con", nhưng Hoàng đế khai quốc của nhà Minh lại đối xử hết mực hà khắc với những công thần sát cánh cùng mình năm nào.
Lưu Bá Ôn theo Chu Nguyên Chương đã nhiều năm, đương nhiên hiểu hơn ai hết sự đa nghi của quân chủ. Vì vậy, ông quyết định từ bỏ chốn quan trường.
Những năm cuối đời, ở vào thời khắc "gần đất xa trời" trên giường bệnh, mong muốn cuối đời của Lưu Bá Ôn chính là được ăn một chiếc bánh nướng.
Nhưng điều này khiến người đời không khỏi cảm thấy kỳ lạ. Vì sao Lưu Bá Ôn lại muốn ăn bánh nướng trước khi chết?
Kỳ thực, di ngôn ấy có liên quan tới giai thoại về lời tiên tri liên quan tới bánh nướng của Lưu Cơ. Và ly kỳ hơn là những lời tiên đoán ấy sau hơn 800 năm quả thực đã ứng nghiệm.
Lưu Bá Ôn từng lưu lại một quyển sách tập hợp những lời tiên đoán của mình có tên là "Thiêu bính ca". Quyển sách này viết về những sự kiện mà ông tin là sẽ xảy ra vào 800 năm kể từ khi nhà Minh thành lập.
Và những tiên tri trong cuốn sách này của đại thần họ Lưu cũng giải thích vì sao ông muốn ăn bánh nướng trước khi qua đời.
Những tiên đoán tới hàng thế kỷ sau vẫn ứng nghiệm của đại thần họ Lưu
Giai thoại truyền lại rằng, có một lần Chu Nguyên Chương ăn bánh nướng. Sau khi cắn một miếng, ông cho chiếc bánh vào một cái bát rồi đậy lại và hỏi Lưu Bá Ôn xem trong bát là thứ gì.
Lưu đại thần bấm ngón tay rồi thưa: "Nửa như mặt trời, nửa như trăng, vừa được kim long cắn một miếng, đó chính là bánh nướng".
Sau khi mở chiếc bát ra, quả nhiên đó chính là chiếc bánh nướng mà Chu Nguyên Chương vừa cắn dở. Từ sau việc này, Hoàng đế họ Chu càng thêm trọng dụng và tin tưởng Lưu Bá Ôn.
Có lần, Chu Nguyên Chương yêu cầu Lưu Bá Ôn bói một quẻ cho giang sơn Đại Minh, hỏi rằng nhà Minh liệu có thể vĩnh viễn hưng thịnh hay không.
Trước mệnh lệnh ấy, Bá Ôn xin nhà vua ban cho kim bài miễn tử rồi viết một bài "Thiêu bính ca". Chu Nguyên Chương xem xong, một lời cũng không nói.
Phải chăng Chu Nguyên Chương trầm mặc trước những lời dự liệu của Lưu Bá Ôn là bởi lo sợ chúng sẽ trở thành sự thật? (Ảnh minh họa).
Năm 1375, Lưu Bá Ôn qua đời ở tuổi 65. Sau này, ông được Minh Vũ Tông truy phong làm Thái sư để tưởng nhớ công lao đối với Đại Minh.
Những dự đoán trong bài "Thiêu Bính Ca" của Bá Ôn tiên liệu những việc xảy ra kể từ lúc Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập quốc cho tới khi Thanh triều tuyệt diệt.
Nhưng do những "thiên cơ" ấy có liên quan trực tiếp tới nhiều thay đổi lớn trong lịch sử, nên đại thần họ Lưu không thể nói quá rõ ràng.
Tuy nhiên, chỉ vẻn vẹn 20 năm sau, những thay đổi trong cục diện chính trị nhà Minh đã trở thành minh chứng cho thấy tiên tri của Lưu Bá Ôn quả thực ứng nghiệm.
"Thiêu Bính Ca" đã dự đoán chính xác hàng loạt sự kiện như chiến dịch Tĩnh nan, sự biến Thổ Mộc Bảo, Minh Anh Tông phục vị, nạn hoạn quan, Lý Tự Thành khởi nghĩa, Sùng Trinh tự vẫn, Ngô Tam Quế đầu hàng quân Thanh.
Không chỉ tiên liệu trước nhiều sự kiện có thật trong lịch sử nhà Minh, những dự đoán của Lưu Bá Ôn còn ứng nghiệm tới thời nhà Thanh. (Chân dung Lưu Bá Ôn: Nguồn Baike).
Một số câu thơ trong đó còn chỉ đích danh các nhân vật có tầm ảnh hưởng.
Ví dụ như câu "tám nghìn quỷ nữ" (八千女鬼) khi ghép Hán Tự lại sẽ tạo thành chữ "Ngụy" (魏), ám chỉ hoạn quan Ngụy Trung Hiền hãm hại trung lương, khiến triều đình đại loạn.
Hay như câu "mộc hạ nhất đầu liễu, mục thượng nhất đao nhất mâu đinh" có thể ghép lại thành ba chữ "Lý Tự Thành".
Tương tự như vậy, câu "Bình An trấn thủ hảo quế hoa" có chữ "quế" trong tên của Ngô Tam Quế.
Một số câu thơ khác còn nhắc tới niên hiệu của các vị Hoàng đế hoặc phong hào của các chư hầu.
Ví như Minh Thành Tổ Chu Đệ lúc chưa lên ngôi được phong làm Yến Vương, sau khởi binh Tĩnh Nan nên có cách gọi là "yến tử phi lai". Mà câu "nhất viện sơn hà vĩnh lạc bình" có nhắc tới niên hiệu "Vĩnh Lạc" dưới thời Chu Đệ.
Một số câu thơ khác lại ám chỉ về các mốc thời gian: Tỷ như "tương truyền côn ngọc kế long đường" ám chỉ sự kiện Anh Tông phục vị; "Bôn tẩu mai hoa thượng cửu trọng" nhắc tới việc Sùng Trinh treo cổ tự vẫn trên Môi Sơn…
Phần sau của "Thiêu Bính Ca" cũng được viết dưới hình thức đối thoại, dự đoán những sự kiện xảy ra 200 năm sau khi Minh trều sụp đổ (dưới thời nhà Thanh).
Điều này khiến cho hậu thế càng thêm trầm trồ thán phục trước tài dự liệu của vị đại thần được mệnh danh là "thần cơ diệu toán" ấy.
Trần Quỳnh