Ngáp có thể lây từ người này sang người khác. Ảnh: Shutterstock
Robert R. Provine, một nhà thần kinh học và giáo sư tâm lý tại ĐH Mary land, hạt Baltimore, Mỹ cho biết: "Một điều rõ ràng là ngáp cực kỳ dễ lây lan, đến nỗi mà bạn sẽ ngáp khi nghĩ về nó, nghe về nó, đọc về nó, nhìn thấy ai đó ngáp cũng làm lây nhiễm".
Theo ông Provine, 55% số người nghĩ về ngáp sẽ ngáp trong vòng 5 phút. Và việc lây nhiễm ngáp là đặc điểm chung của tất cả những loài có xương sống. Vậy điều gì khiến ngáp lại dễ lây như vậy?
"Ngáp là một trong những hành vi đầu tiên để phát triển. Trong một bào thai, nó xuất hiện ở tuần thứ 11 sau khi thụ thai", ông Provine cho biết. Trong khi mọi người ngáp khi chào đời, sự truyền nhiễm ngáp không xuất hiện cho đến vài năm sau đó. Cuối cùng, các mốc thời gian cho thấy chúng ta tiến hóa để ngáp theo nhóm.
Vì vậy, khi bắt ngặp ai đó ngáp, nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền, có thể phục vụ cho mục đích đồng bộ hành vi trong một nhóm, giống như giờ đi ngủ. Ngoài lợi ích báo hiệu đi ngủ, ngáp sau ai đó thậm chí còn khiến bạn có vẻ đáng tin. Bởi vì ngáp xảy ra trong quá trình chuyển đổi, từ ngủ đến thức giấc, trước khi đi ngủ hoặc từ tỉnh táo cho đến buồn chán, ngáp cũng có thể giúp chúng ta thay đổi bánh răng sinh lý.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý rằng ngáp có lây truyền. Trong một nghiên cứu năm 2017 về hành vi và sinh lý của con người, một nhà tâm lý học tại ĐH Oxford, Rohan Kapitany muốn kiểm tra quan điểm này. Ông không hỏi tại sao ngáp lại lây truyền, thay vào đó là câu hỏi sẽ thế nào nếu ngáp không thực sự lây truyền.
Sau khi xem xét tài liệu và tiến hành thí nghiệm của riêng mình trong một nhóm sinh viên, ông Kapitany kết luận rằng một người ngáp không chắc sẽ khiến người khác ngáp. Nói cách khác, dường như không có mối quan hệ nhân quả giữa 2 người. Có vẻ như nếu bạn bắt gặp ai đó ngáp cùng với bạn thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.