Theo Dân Việt, các phương tiện xe máy vi phạm đều mắc một lỗi cơ bản về biển kiểm soát, đó là làm mờ hoặc che biển số. Các trường hợp vi phạm khá đa dạng, từ thanh thiếu niên cho đến lái xe ôm công nghệ. Hầu hết các tài xế đều khai nhận dán đề can cho đẹp. Một số tài xế xe ôm vì muốn chạy nhiều loại dịch vụ cùng lúc để kiếm thêm thu nhập nên đã dán biển kiểm soát để tránh việc thanh kiểm tra của các hãng xe ôm công nghệ.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ che biển số để chạy nhiều loại dịch vụ nhằm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Internet
Trong buổi sáng ngày 6/3, Đội Cảnh sát giao thông số 1 đã xử lý gần 10 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1 phương tiện.
Còn tính từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã kiểm tra và xử lý tổng số 71 trường hợp xe vi phạm che chắn biển kiểm soát. Trong đó, 61 trường hợp bị che, 6 trường hợp biển kiểm soát bị cong, 1 trường hợp thay đổi màu sắc nền biển kiểm soát. Riêng Xe máy điện xử lý 3 trường hợp biển kiểm soát bị che.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 cho biết, gần đây hành vi che biển kiểm soát xe máy khá phổ biến nên đơn vị đã ra quân để xử lý. Theo trung tá Ngọc, dù vì lý do gì thì việc che và thay đổi biển kiểm soát vừa vi phạm pháp luật, vừa là sơ hở cho tội phạm cướp giật lợi dụng nên cần xử lý nghiêm.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ/CP, những trường hợp người điều khiển xe gắn máy, xe máy điện gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng sẽ bị xử phạt hành chính từ 100-200 nghìn đồng theo Mục b Khoản 1 Điều 17. Còn đối với xe ôtô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.