Tại hội nghị trực tuyến về công tác triển khai ứng phó với siêu bão Mangkhut, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo Mangkhut là siêu bão mạnh, khi đổ bộ ảnh hưởng nhiều tỉnh nên cần chủ động ứng phó từ bây giờ để giảm thiểu thiệt hại tính mạng và tài sản.
Ảnh mây vệ tinh của siêu bão Mangkhut lúc 18h40 ngày 14/9 cho thấy sức mạnh cũng như vùng ảnh hưởng khổng lồ của cơn bão. Ảnh: NCHMF. |
Chiều 14/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai có cuộc họp trực tuyến với các địa phương, lên phương án ứng phó với siêu bão Mangkhut, dự kiến là cơn bão số 6 trên Biển Đông năm nay.
Bộ trưởng bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, siêu bão Mangkhut dự báo sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông sang ngày 15/9 với sức gió cấp 14-15 giật cấp 17, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào ngày 17/9.
Theo cảnh báo của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới, siêu bão Mangkhut vẫn giữ cường độ rất mạnh và khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong các ngày 17 và 18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 17 đến 19/9.
Với những diễn biến này, vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là 27 tỉnh, thành phố từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá. Trong đó, Quảng Ninh được xác định là trọng điểm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhận định Mangkhut đang là cơn bão rất mạnh, được đánh giá là siêu bão, mạnh nhất trong 9 cơn bão đang hoạt động trên biển hiện nay. Đặc biệt, siêu bão được dự báo gây mưa rất to sau khi đổ bộ ở khu vực đông dân cư có sự phát triển kinh tế lớn.
“Nếu không có phương án chủ động ứng phó sẽ thiệt hại rất lớn. Cần quán triệt tập trung lên phương án ứng phó ngay từ bây giờ để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cần phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, đặc biệt là vai trò của lực lượng vũ trang để xây dựng ngay phương án ứng phó hiệu quả nhất, giảm thiểu thiệt hại.
Ủy ban quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cần cập nhật thông tin về cơn bão, công bố vùng biển bão vào để tuyệt đối bảo đảm an toàn trên biển; Rà soát, kiểm tra tàu thuyền trên biển đi ra khỏi nơi có bão, di chuyển vào nơi tránh trú ẩn an toàn. Các đơn vị cũng cần có cấm biển, trong thời điểm này cũng không cho tàu thuyền ra khơi xa để đảm bảo an toàn.
Các địa phương cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở các khu vực nuôi lồng bè, có phương án di dân khi cần thiết. Ngoài ra cũng cần đảm bảo đến khách du lịch trên các đảo và khu vực có khả năng cơn bão sẽ đổ bộ.
Phó thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, đường lưới điện đã đủ an toàn để đón bão và có phương án xử lý cụ thể nếu cần.
“Phải có giải pháp bảo vệ an toàn mái nhà của người dân, các công trình hạ tầng, các cột tháp cao; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện...", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Việc tập trung đảm bảo an toàn hồ đập, các khu vực có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét cần kiên quyết đảm bảo an toàn cho người dân cũng được Phó thủ tướng nhắc đến với lãnh đạo các địa phương.
Ông Dũng cũng đề nghị Bộ NN&PTNN kiểm tra, chủ động bảo vệ các công trình ở vùng núi, giảm thiểu thiệt hại nhất có thể. Bên cạnh đó, các tỉnh phải rà soát các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đê điều, bảo vệ sản xuất. Bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu du lịch, các công trình dịch vụ, cơ sở hạ tầng trên địa bàn, công trình nhà ở của người dân.
“Cần tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng tại chỗ của địa phương, lực lượng vũ trang sẽ là nòng cốt trong xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân”, Phó thủ tướng nói.
Đức Hoà (tổng hợp)