Ung thư có yếu tố gia đình (nghĩa là mẹ hay bố bị ung thư thì con có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn các trẻ khác có bố mẹ không bị ung thư ).
Sau khi đưa tin về trường hợp chị Nguyễn Thị Linh Huệ (22 tuổi, quê Bình Phước) mắc bệnh ung thư máu khi đang mang thai tháng thứ 7, chúng tôi có nhận được nhiều thắc mắc từ độc giả về việc mẹ bị ung thư máu khi đang mang thai liệu con có nguy cơ mắc bệnh hay không?
Chị Nguyễn Thị Linh Huệ đang được điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Tp.HCM |
Để trả lời việc này, chúng tôi đã tổng hợp một số tài liệu và ý kiến của bác sĩ.
Cụ thể, BS Phù Chí Dũng, GĐ BV Truyền máu - Huyết học HCM cho biết trên Khám phá, con sản phụ Linh Huệ đã được xét nghiệm máu. Bác sĩ Chí Dũng cho biết "Sau ca sinh, sáng 21/7 tôi đã gọi điện sang Bệnh viện Từ Dũ, kết quả thông báo sau khi thử máu em bé thì hiện tại tình trạng ổn, không mắc bệnh giống mẹ, mọi chỉ số hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đều ổn".
Được biết, việc ung thư có di truyền hay không đang là vấn đề tranh cãi và đang được nghiên cứu. Ung thư có yếu tố gia đình (nghĩa là mẹ hay bố bị ung thư thì con có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn các trẻ khác có bố mẹ không bị ung thư ), nguyên nhân của ung thư là do đột biến gen, mà nguyên nhân của đột biến gen thì vẫn chưa rõ ràng. Người ta qui cho là do môi trường, hóa chất, chế độ làm việc, yếu tố gia đình, các bệnh lý có liên quan,…
Trên Sức khỏe & Đời sống đã đăng tải bài viết về một nghiên cứu của Thụy Điển trên gần 71.000 người được nhận làm con nuôi đã sử dụng dữ liệu từ cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi của những người này để nghiên cứu xem so với lối sống, tiền sử gia đình có phải là yếu tố nguy cơ cao hơn đối với sự phát triển ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng hay không.
Các yếu tố di truyền đằng sau 3 loại ung thư chính này đã được thiết lập từ lâu. Tuy nhiên, cuộc khảo sát dữ liệu trên quy mô lớn được công bố trên tờ European Journal of Cancer này đã nghiên cứu một nhóm người đặc biệt trong nỗ lực định rõ vai trò của việc tháo gỡ nguy cơ gia đình từ các yếu tố môi trường.
Bằng cách nghiên cứu những người được nhận làm con nuôi, các nhà nghiên cứu có thể hiểu lí do tại sao được nuôi dưỡng trong một môi trường độc lập với gen di truyền – tức là được nuôi dưỡng bởi cha mẹ nuôi – lại cho thấy khía cạnh chân thực của ảnh hưởng sinh học thừa hưởng từ gen của cha mẹ đẻ.
Trên thực tế, nghiên cứu này đã tách bạch những tác động của tiền sử gia đình với tác động của môi trường lên ung thư.
Nếu cha mẹ đẻ của một người bị ung thư, người đó đã có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn 80-100% so với những người có cha mẹ đẻ không bị ung thư.
Tuy nhiên, tiền sử của cha mẹ nuôi không ảnh hưởng tới nguy cơ phát triển ung thư. Cha mẹ nuôi bị ung thư không làm tăng nguy cơ ung thư ở người con nuôi.
TS. Bengt Zoller ở ĐH Lund, Thụy Điển, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết:‘Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi không có nghĩa là lối sống của một cá nhân không đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển ung thư, mà nó cho thấy nguy cơ phát triển 3 loại ung thư phổ biến nhất này phụ thuộc nhiều hơn vào di truyền’.
Nghiên cứu cũng phát hiện thấy những người được nhận làm con nuôi có cha mẹ ruột bị ung thư đã mắc căn bệnh này ở độ tuổi trẻ hơn so với những người có cha mẹ đẻ không bị loại ung thư tương tự. Tuy nhiên, ảnh hưởng này không liên quan với cha mẹ nuôi, tức là việc cha mẹ nuôi bị ung thư không có tác động lên độ tuổi khởi phát ung thư của người con nuôi.
Dã Quỳ (Tổng hợp)