Trong chính chiếc iPad mà An hay dùng khi còn sống, ngoài những tấm ảnh, video bé tự chụp, tự quay là đôi ba lời nhắn nhủ bé xen kẽ trong từng bản ghi chú của mẹ. "Tôi sẽ đọc thật kỹ, xem từng bức ảnh để tìm kiếm thêm những dòng nhắn nhủ con để lại", chị Dương nói.
Gia đình cần thời gian để chấp nhận sự thật là An đã ra đi
Trong căn nhà cấp 4 nằm ở thôn Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cuộc sống của gia đình 1 tuần sau khi em bé Hải An ra đi, hình như không có bất kỳ sự xáo trộn nào. Đến bữa cơm, mọi người vẫn gọi: "An ơi, ăn cơm thôi con!". Trời tối khuya, chị Dương thắp cho con gái 3 nén hương rồi thì thào: "An ơi, hôm nay không có thịt xiên nướng. Ngày mai mẹ mua cho con nhé!".
Anh Trung (bác ruột bé) vừa nhâm nhi chén rượu vừa thủ thỉ: "Em có thấy căn nhà này toàn "người điên" không? Nhiều người đi đường nhìn vào nhà thỉnh thoảng nghe thấy tiếng độc thoại, nhưng chính là đang nói chuyện với An đó. Tụi anh chưa quen, chưa thể quen và có lẽ phải cần một thời gian nữa mới chấp nhận được sự thật này".
Em bé Hải An không may mất đi vì căn bệnh ung thư. Nhưng mọi thành viên trong gia đình vẫn tin luôn có em bên cạnh.
21h tối 28/2, chùa Nền (quận Đống Đa) đóng cửa. Đều đặn mỗi tối chị Dương đều lên chùa tụng kinh cho bé An. Nhưng khi cửa chùa khép lại, chị Dương chưa vội về nhà.
22h, tôi vẫn ngồi đợi chị Dương trong căn nhà cấp 4 ở thôn Tân Mỹ. Chốc chốc mẹ chị lại nhấc điện thoại đi tới đi lui: "Không biết giờ này con Dương đã về chưa. Hôm qua nó đi tới gần sáng mới về".
23h, tiếng xe máy dừng lại trước cánh cửa nhỏ. Chị Dương dắt xe vào nhà, đáp lời mẹ: "Con đi đây có chuyện giờ mới về ạ". Hình như mắt chị sưng lên nhưng chị giấu chẳng để ai phát hiện.
Từ ngày mất con, có lẽ không ngày nào chị không khóc.
Chỉ khi còn mình tôi và chị - lúc đó đã 0h sáng - chị mới khóc tu lên như một đứa trẻ: "Em ơi, chị nhớ con quá. Chị đi lòng vòng tới những nơi 2 mẹ con đã từng qua. Mẹ gọi nhưng không muốn nghe, không biết còn chịu được bao lâu nữa?". Bởi thế trong thế giới của nỗi đau và mất mát, chị Dương luôn cố giấu nhẹm những giọt nước mắt trước mặt người thân và gia đình.
Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện tự nhiên như cách chị đang tâm tình với một người bạn. Tôi nhìn ảnh ngày xưa của 2 mẹ con, chợt thấy có lẽ thời gian này chị gầy và tiều tụy đi trông thấy. 2 tháng, à không, chính xác là đã 4 năm trôi qua, chị đồng hành cùng con gái trên chặng đường sinh tử này.
Em bé có nụ cười và ánh mắt thiên thần.
Năm tháng tuổi thơ của An tràn ngập những bức ảnh do chính tay chị Dương chụp. Cứ lướt qua 5 bức lại có 2, 3 bức bé An dán miếng hạ sốt trên trán.
"Em thấy chị có hâm không, chụp từng khoảnh khắc của con mà không biết chán. Nhưng mà giờ nhìn lại thấy con ốm đau suốt từ bé mà xót lắm...".
Bé An lớn lên trong tình thương vô bờ bến của mẹ và bố, nhưng có lẽ người đồng hành cùng con đến tận giờ phút cuối cùng là mẹ em. Lướt qua tấm ảnh mà theo tôi là xúc động nhất trong cả hành trình - khung hình bé An ra đi trong vòng tay của mẹ - chị Dương khóc: "Chị đâu có chịu được nỗi đau ấy. Con ra đi nhẹ nhàng nhưng chị chỉ biết gào lên thôi".
"Con em bây giờ tính ngày hay tính tháng?"
Ngày hai mẹ con đưa nhau đi từ bệnh viện Việt Đức, sang viện K rồi Bạch Mai với tờ xét nghiệm trên tay, tất cả đều chung một kết quả: Hải An bị u não, khối u hiện đã chèn lên dây thần kinh nên y học không thể can thiệp được.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tại bệnh viện Bạch Mai đã tức tốc gọi mẹ bé Hải An vào gặp riêng, đưa ra đề xuất thực hiện các thủ thuật xạ trị để kéo dài thời gian sống cho bé. Nhưng An chỉ mới 7 tuổi, xạ trị với em khi đó quá nguy hiểm.
Trong thời gian chiến đấu với ung thư, An là một cô bé rất mạnh mẽ.
Chị Dương thắc mắc: - "Xạ trị thì được bao lâu? Chị ơi có được 18 tháng không?
Bác sĩ lắc đầu.
- "Thế 9 tháng có được không?"
Bác sĩ lắc đầu tiếp...
- "Con em bây giờ tính ngày hay tính tháng?"
- "Tính ngày đi em! Em phải bình tĩnh để còn lo cho con".
Đấy là giai đoạn kinh khủng nhất cuộc đời chị Dương. Dẫu biết con mang mầm mống ung thư nhưng chị không ngờ nó lại nằm trong não. Bước chân từ viện về nhà hôm đấy sao mà nặng trĩu, đôi lần không chịu đựng được chị dừng chân ôm con vào lòng mà khóc. Chị quyết định, không còn cách nào khác ngoài xạ trị, vậy thì hai mẹ con mình cùng chiến đấu.
Chưa bao giờ An tỏ ra là một cô bé yếu đuối. Cũng chưa bao giờ em than phiền với mọi người về nỗi đau đớn của mình, những gì em trải qua trong gần 2 tháng qua là cả một nỗ lực và khát khao sống. Ngày đầu thử châm cứu, An hét toáng lên vì đau đớn. Nhưng những lần sau, ý thức được em kìm nén nỗi đau cho riêng mình. Đôi lần em nói với mẹ: "Mẹ ơi bảo bác sĩ châm nhiều kim nữa cũng được. Con chịu đựng được để nhanh khỏe bệnh".
Trong tiệc sinh nhật 7 tuổi, An cố tình lấy tay chống cằm để mọi người không phát hiện ra miệng em bị méo do ung thư.
Thanh quản của Hải An có vấn đề khiến bé không nói được mà chỉ bập bẹ, một bên tay của em cũng bị liệt. Thời gian này dây thần kinh bị khối u chèn mạnh khiến em không thể làm chủ được hành vi của bản thân. An hay cáu giận, hét lớn, nhưng không bao giờ em than vãn rằng nỗi đau cơ thể lớn nhường nào. Chỉ đến khi không chịu nổi nữa, em mới khóc và đồng ý để mẹ truyền giảm đau.
Hơn 1 tuần trước khi ra đi, An rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trong suốt 1 tháng mở nội khí quản, em chỉ mở mắt được đúng 3 lần. Em mất dần khả năng nói và hoạt động các chi tay và chân. Duy chỉ còn đôi mắt em dùng để trò chuyện với mọi người xung quanh.
Trước khi bé mất, chị Dương xin đưa con về nhà gặp mặt người thân, cùng ăn bữa cơm cuối. Khi đó, An gần như chỉ còn lại thể xác, con tim em đang yếu dần đi...
14h30 phút ngày 22/2, tim An ngừng đập. Chị Dương hét lớn, cố gắng bóp bóng, ấn tim cho con. "Con ơi, con đừng bỏ mẹ, mở mắt nhìn mẹ đi con".
Đúng phút cuối, An mở mắt. Dù không biết đấy là cơn co giật hay ý thức của con, chỉ biết An đã nhìn mẹ lần cuối cùng khi em còn ở lại trên đời.
Đến 14h50 phút cùng ngày, bé An vĩnh viễn ra đi. Khi đó, chị Dương vẫn cứ ôm con khư khư trong lòng...
Di nguyện của con mới chỉ thực hiện được một nửa
Lúc sinh thời còn tỉnh táo, An thường hay tâm sự với mẹ: "Con muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác...".
Thể theo nguyện vọng của con, chị Dương đã gọi điện tới Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia với mong muốn hiến tặng nội tạng của bé cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng. Đặc biệt: "Tôi muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó…".
Hải An ra đi khi còn quá bé, chỉ duy có thể hiến giác mạc của em cho người ở lại. Di nguyện của em có thể hiến gan, thận và điều tuyệt vời nhất có lẽ là quả tim bé nhỏ của em. Đấy cũng là khát khao cháy bỏng của chị Dương, rằng trái tim của con chị vẫn sẽ đập, vẫn sẽ cháy trong lồng ngực một ai đó. Nhưng Trung tâm Điều phối tạng đã từ chối vì các vấn đề pháp lý.
Theo nguyện vọng của con, chị Dương cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi mất.
Cũng theo ý nguyện của con, ngày 26/2, chị Dương đã đến Trung tâm để đăng ký hiến mô và các bộ phận trên cơ thể chính mình. Đó là lời hứa giữa 2 mẹ con, đôi mắt con đã để lại cho đời thì sau này khi mất đi, mẹ cũng muốn như thế.
Trong chiều 26/2 tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã diễn ra 2 ca ghép giác mạc thành công - món quà mà bé An để lại sau gần 1 giờ phẫu thuật. 2 người may mắn nhận được giác mạc là bệnh nhân 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền và bệnh nhân 73 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc.
Khát khao được nhìn thấy đôi mắt của con đã sáng lên ở hai cơ thể khác, chị Dương một mình tìm đến Bệnh viện Mắt Trung ương để... nghe ngóng. Tuy nhiên các y, bác sĩ tại đây từ chối cung cấp thông tin bệnh nhân vì vấn đề bảo mật.
"2 ca ghép diễn ra thành công chứ ạ?", chị Dương hỏi nữ y tá.
"Rất rất thành công, hiện 2 bệnh nhân vẫn đang trong quá trình theo dõi tại bệnh viện. Chị yên tâm".
Khi biết ca ghép diễn ra tốt đẹp, chị Dương thở phào nhẹ nhõm ra về.
Em bé gửi lời yêu thương trước khi lên thiên đường: "Mẹ đừng quên con nhé"
Bạn có biết tới câu chuyện về em bé đến từ thiên đường tên Elena Desserich không? Những tháng cuối cùng sống trên đời vì ung thư, Elena viết hàng trăm lời nhắn gửi và giấu những tờ giấy ở những chỗ kín đáo. Suốt 2 năm sau khi bé mất, bố mẹ và em gái tìm thấy trong căn nhà của họ những dòng chữ và hình vẽ chứa đựng tình cảm của em.
Bé An cũng giống như Elena vậy đó. Bằng một cách nào đó, sau khi con mất chị Dương dần phát hiện ra những lời nhắn em để lại cho mình.
Gia tài lớn nhất của chị Dương bây giờ, là những bức ảnh, clip về con gái bé nhỏ.
Trong chính chiếc iPad mà An hay dùng khi còn sống, ngoài những tấm ảnh, video bé tự chụp, tự quay là đôi ba lời nhắn nhủ bé xen kẽ trong từng bản ghi chú của mẹ. Phải căng mắt tìm giữa hàng trăm con chữ, chúng tôi mới nhận ra được những lời yêu thương em gửi tới những người ở lại.
"Mẹ ơi ăn uống mỗi ngày phải ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh, hoa quả ăn nhiều không sợ, đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp, không vội".
"Mẹ ơi, mẹ đừng dùng thuốc ngủ nhé".
"Mẹ ơi, con nhớ mẹ. Mẹ nhớ uống nước đấy nhé!".
"Mẹ ơi con yêu mẹ, đừng khóc mẹ nhé!".
"Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ nhớ cho Bun ăn nhé".
"Mẹ ơi con yêu mẹ! Mẹ đừng quên con nhé".
Chị Dương chỉ cho chúng tôi xem những lời nhắn của con, rồi nói: "Con ghi không theo quy luật nào. Có thể là một dòng ghi nhớ hay câu chen giữa những tài liệu chị đã lưu trong máy. Ngoài iPad ra còn chiếc điện thoại này nữa, mọi người bảo chị nên xem đó là "của để dành", từ từ rồi chị sẽ đọc thật kỹ, xem từng bức ảnh để tìm kiếm thêm những dòng nhắn nhủ con để lại".
Mất bé An, chị Dương gần như mất đi cả thế giới hiện tại...
2h sáng, cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc. Chị Dương kể, với đặc tính nghề y nên chị thức khuya quen rồi, chẳng thể chợp mắt nổi. Giờ muốn ngủ phải uống thuốc nhưng con gái đã dặn chị không dám làm trái ý con.
Chị vẫn miệt mài đưa mắt nhìn theo từng bức ảnh của con trong iPad, thỉnh thoảng lại tự nói bâng quơ: "An ơi, mai ăn thịt xiên nướng nhé con!".