Xưa nay người đi bộ gần như được miễn mọi lỗi vi phạm khi tham gia giao thông với tâm lí xe lớn luôn có lỗi. Tuy nhiên, thực tế thì rất nhiều lỗi vi phạm, và nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra có lỗi do người đi bộ gây nên.
Đi bộ gây tai nạn nghiêm trọng
Vào khoảng 23 giờ, ngày 3/3, trên đường Xã Đàn (quận Đống Đa), một nữ sinh khi sang đường sai nơi quy định bị ô tô BKS 29U - 4036 đâm phải. Vụ Tai nạn giao thông khiến nạn nhân bị thương rất nặng. Tiếp đó, sau 5 ngày, ngày 8/3, trên QL 6 đoạn qua địa phận quận Hà Đông, 3 thanh niên đi bộ cũng bị thương nặng sau khi bị một chiếc ô tô đi cùng chiều đâm phải. Liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến người đi bộ diễn ra trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ.
Điều dễ nhận thấy là tại bất cứ đoạn đường nào, bất cứ thời điểm nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp người đi bộ băng qua đường sai luật như vượt đèn đỏ, vượt dải phân cách, sang đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ…Để tiện đoạn đường đi và tranh thủ thời gian, nhiều người không quan tâm mình đang đứng ở đâu, có gần vạch kẻ đường hay cầu vượt dành cho người đi bộ hay không, hệ thống tín hiệu đèn đang ở tình trạng nào, mà chỉ cần thấy sang đường được thì cứ sang.
Và với chính cách sang đường “tự tiện” này, người đi bộ đã thách thức sự an toàn không chỉ với chính bản thân mình mà còn với các phương tiện giao thông khác. Khi không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, những người lái xe trên đường thường lưu thông với vận tốc khá nhanh vì không có suy nghĩ phải tránh, nhường đường. Khi đó, người đi bộ bất ngờ xuất hiện trên đường sẽ là những trở ngại vô cùng nguy hiểm đối với họ.
Trong nhiều trường hợp không kịp phản ứng thì việc chủ phương tiện đâm vào người đi bộ hoặc lạc tay lái, ngã xe, đâm vào các đối tượng khác là điều khó tránh khỏi. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hàng năm ở nước ta có hơn 14% số người đi bộ bị thiệt mạng trong tổng số người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ nói chung.
Đi bộ qua đường : Những nỗi lo thường trực
Tuy nhiên, nỗi sợ không chỉ dành cho những người điều khiển xe, mà nhiều người đi bộ cũng có những “nỗi khổ” riêng.Đối với nhiều người, đi bộ sang đường chẳng khác nào như đi “ra trận”. Tay giơ lên xin đường, mắt căng ra nhìn, chân lúc tiến tới, lúc phải lùi lại nhưng nhiều người đi bộ vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo bị đâm. Dù là đi trên đúng vạch kẻ đường, nhưng nhiều xe không có tín hiệu giảm tốc, nhường đường cho người đi bộ. Đứng ở giữa đường mà ba bốn bề đều là những chiếc xe chạy ào ào, khiến họ cũng “hốt hoảng”.
Thậm chí khi đi trên vạch kẻ đường và có hệ thống đèn, người đi bộ vẫn có thể bị đe dọa đến sự an toàn, bởi những chiếc xe vượt đèn đỏ và phóng nhanh lao vào họ.Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường, vạch kẻ đường dành cho người đi bộ có rất ít. Vì vậy, dù biết rằng đường đông, người đi bộ vẫn đành “đánh liều” để sang đường.
Vì không được nhường đường, và phải tự tránh các phương tiện như vậy, nên trong thực tế, nhiều người phải thốt lên rằng họ rất sợ đi bộ sang đường.Nhìn nhận từ 2 khía cạnh trên, có thể thấy rằng người đi bộ và cả các chủ phương tiện xe đều có phần chưa chấp hành đúng các quy tắc của Luật Giao thông đường bộ.
Để bảo vệ an toàn và tạo nét đẹp trong văn hóa giao thông, người đi bộ và các phương tiện khác không nên chỉ phán xét sai phạm của đối phương, mà cần tự điều chỉnh cách tham gia giao thông của mình. Chấp hành đúng luật, chú ý quan sát, nhường đường là những điều mà chúng ta nên thực hiện khi đi trên đường, để thấy rằng giao thông cũng như một ngôi nhà - đề cao cách ứng xử của mỗi người.
Luật Giao thông đường bộ quy định với hành vi đi bộ qua đường
Với người điều khiển phương tiện:
Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Với người đi bộ:
Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
T.M (theo Duongbo.vn)