"Nhưng điều mình thực sự sợ nhất khi đi làm công nhân đó chính là trở thành 1 cái máy. Ngày nào cũng làm đúng 1 công việc, 10 ngày giống y như một ngày. Nếu mình mãi là công nhân thì đến già mình vẫn chỉ sống 1 ngày", những chia sẻ của cô gái trẻ về thời gian đi làm công nhân khiến nhiều bạn trẻ suy tư..
"Trượt Đại học - mình đi làm công nhân 1 năm"
Một người khi đã bước qua độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, mỗi lần nhìn những bạn trẻ tự nuông chiều bản thân, đều không kìm được cảm thấy đáng tiếc. Mới đây, đoạn chia sẻ của cô gái trẻ Diệp Hạ trong group Không Sợ Chó về khoảng thời gian vất vả từng đi làm công nhân từ năm 18 tuổi của bản thân mình đã thu hút sự chú ý của Cộng đồng mạng. Dù có vất vả, mệt nhọc vì phải đứng cả ngày đến tụ máu chân, hay phải tranh thủ từng phút để ăn trưa rồi chợp mắt nghỉ ngơi nhưng nhờ đó mà cô gái trẻ nhận ra mình đang lãng phí tuổi trẻ và sống như một cái máy.
Khoảng thời gian ấy khiến Diệp Hạ trưởng thành hơn nhiều, cô gái 18 tuổi nhận ra chúng ta có thể dành cả đời để kiếm tiền, nên việc tiêu chút tiền cho việc học hành khi còn trẻ chả đáng gì. Bởi đi học không chỉ tích lũy kiến thức, có kinh tế mà hơn hết cả là mình có tự do, được làm điều mình thích và sống cho chính bản thân mình hơn là tự rập khuôn như một cái máy và cả đời chỉ làm một công việc lặp đi lặp lại.
Đoạn chia sẻ trên mạng xã hội về khoảng thời gian đi làm công nhân và lời khuyên dành cho các bạn trẻ. Ảnh chụp màn hình
"Năm 18 tuổi - Mình đã từng làm công nhân. Sau khi học xong cấp 3 mình đã nghỉ 1 năm đi làm công nhân. Lúc đó mình không đủ điểm vào đại học, gia đình có chút chuyện nên mình nghỉ 1 năm đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Đến bây giờ mình vẫn không thể nào quên được khoảng thời gian đó.
Đi ăn cơm trưa phải chạy thật nhanh để không phải xếp hàng lâu và ăn thật nhanh. Như vậy sẽ nghỉ trưa thêm được 5-10 phút. Thời gian mong chờ nhất trong ngày là 15 phút nghỉ giữa ngày và giờ nghỉ trưa.
Khi ấy mình may mắn được vào chỗ làm việc chân tay nhẹ nhàng nhưng phải đứng cả ngày, 2 chân xuống máu sưng vù. Mệt đến nỗi chỉ mong làm rơi 1 con hàng để được ngồi xuống nhặt trong 2-3 giây.Giờ ngủ trưa nào mình cũng ước đồng hồ công ty chạy sai 5 phút để có thể ngủ thêm.
Rồi những ngày mùa đông đi làm ca đêm, những buổi sáng về sớm lạnh buốt, sương mù dày đặc chỉ có 1 mình mình đi trên đường, lúc ấy thực sự mình rất tủi thân... Trong khi bạn bè được đi học còn mình thì không.
Nhưng điều mình thực sự sợ nhất khi đi làm công nhân đó chính là trở thành 1 cái máy. Ngày nào cũng làm đúng 1 công việc, 10 ngày giống y như một ngày. Nếu mình mãi là công nhân thì đến già mình vẫn chỉ sống 1 ngày. Chính thời gian ấy đã giúp mình trưởng thành không ít.
Mình từng hỏi 1 đứa (bạn thân của m hồi làm công nhân) rằng:
- Sao mày không đi học nữa ?
- Học xong cũng về chỉ làm văn phòng,có khác gì công nhân đâu, vừa mất tiền lại vừa mất thời gian. Mày thấy chị H. sau khi học xong cũng lại đi làm công nhân giống mình, phí tiền...", đoạn chia sẻ của tài khoản Diệp Hạ về khoảng thời gian đi làm công nhân, phải tranh thủ từng phút để được nghỉ ngơi.
Ảnh minh họa
Nhờ thời gian làm công nhân vất vả, lúc nào cũng làm việc như một cái máy ấy khiến Diệp Hạ nhận ra không nên lãng phí tuổi trẻ của mình, tuổi 18 việc quan trọng nhất vẫn là theo đuổi nghiệp học hành hơn là đi làm công nhân để rồi biến mình "trở thành 1 cái máy".
Theo Diệp Hạ, hiện tại dù lương không cao hơn cô bạn đã có gia đình và tiếp tục đi làm công nhân ấy, nhưng cô hơn ở chỗ có thể thực hiện điều mình thích, sống tự do, nhãn nhã hơn. "Cho đến bây giờ, bạn mình đã lấy chồng và có 2 đứa con, mình vẫn tiếp tục cái sứ mệnh học hành. Mình vừa học vừa đi làm, nếu xét về lương cơ bản thì có khi lương của mình chỉ ngang lương của bạn. Nhưng mình được tự do, được phát triển, được học và làm những gì mình muốn. Mình có thể nghỉ vài hôm mà không sợ mất chuyên cần, đi ăn có thể nhàn nhã cà phê mà vẫn đủ thời gian nghỉ ngơi. Nếu chán, mình có thể bỏ việc làm freelancer ở nhà mà không lo chết đói".
Sau tất cả những chia sẻ về tầm quan trọng khi dành tuổi trẻ cho sự nghiệp học hành, tài khoản Diệp Hạ cũng không quên dành lời khuyên cho các bạn trẻ. "Những bạn trẻ muốn bỏ học để đi làm công nhân, mình luôn thực lòng khuyên hết lời để các bạn đi học. Có thể học xong bạn sẽ làm những ngành nghề khác hoàn toàn, có thể bạn mất 1 số tiền lớn đi học. Nhưng những thứ bạn học được hoàn toàn xứng đáng. Chúng ta còn cả đời để kiếm tiền, vậy tiêu 1 chút tiền cho tuổi trẻ thì có đáng gì".
"Đi học tiếp là bước đệm nhẹ nhàng nhất để tiếp xúc với xã hội"
Liên hệ với Diệp Hạ - cô cho biết dù bài viết của mình còn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, như cô cũng rất vui vì nhận được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Vì có thể giúp nhiều bạn đang chông chênh ở ngưỡng cửa quyết định đi làm hay đi học có thể nhìn thấy rõ hơn thực tế 1 chút.
Diệp Hạ tự tin với bước ngoặt mới của cuộc đời.
Chia sẻ về khoảng thời gian đi làm công nhân, Diệp Hạ cho biết cô đã làm việc ở nhiều công ty khác nhau tại một khu công nghiệp ở Quế Võ (Bắc Ninh). Đầu tiên là đi làm để chờ kết quả thi Đại học, rồi tiếp tục chuyển sang chỗ khác làm trong khoảng 4 tháng đợi kết quả xét cao đẳng. Tuy nhiên, sau khi đỗ cao đẳng do gia đình xảy ra biến cố không có tiền đóng học phí nên việc học hành lại phải gác lại.
"Tại khu công nghiệp, các công ty điện tử hầu như đều làm theo dây chuyền nên phải luôn tay luôn chân không được nghỉ cho đến thời gian nghỉ giải lao giữa buổi. Bình thường giờ làm việc hành chính là 8 tiếng, nhưng hầu như công nhân ai cũng muốn có thêm chút lương nên đều cố gắng tăng ca thành 12 tiếng, nhiều lần làm 14-16 tiếng. Nghỉ giải lao hay ăn uống đều phải tranh thủ từng giây từng phút một, khá vất vả.", Diệp Hạ nhớ lại.
Chia sẻ về công việc hiện tại của bản thân, Diệp Hạ cho biết, "Hiện tại bạn đang làm công việc viết lách, dù chẳng liên quan gì đến chuyên ngành kế toán đang theo học nhưng có lẽ là do có duyên với công việc này". Theo Diệp Hạ thì với cô đi học tiếp luôn đúng với mình, đó là bước đệm nhẹ nhàng nhất để tiếp xúc với xã hội.
Ngay sau khi đoạn chia sẻ của tài khoản Diệp Hạ được chia sẻ lên mạng dường như đã "gãi đúng chỗ ngứa" của các bạn trẻ, nên ngay sau đó đã nhận được hàng ngàn lượt thích và bình luận. Nhiều bạn trẻ không quên kể lại khoảng thời gian đi làm thêm, trải nghiệm cuộc sống lao động khi việc học hành bị gián đoạn.
"Mình cũng giống bạn, năm đầu tiên trượt Đại học nên cũng đi làm công nhân, vừa ôn vừa làm đợi thi lại đấy. Chắc là trải qua giống nhau, cảm xúc giống nhau và suỹ nghĩ giống nhau... lúc nào cũng muốn trỗi dậy nên mình đồng cảm với bạn lắm. Hầy, giờ đi làm văn phòng có thể không vất vả như ngày trước nhưng cũng stress kiểu kinh điển. Nhưng ít nhất cũng đã được làm cái công việc mình thích rồi nên sẽ cố gắng vượt qua", tài khoản D.T chia sẻ.
"Tôi còn nhớ ngày còn đi làm công nhân ca đêm có lần mệt quá phải chui vào nhà vệ sinh ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Có lần mệt đến ngất đi không thể thở nổi mà vẫn phải mặc bộ đồ vải ni lông chụp kín mít hở 2 con mắt, thực sự bức bối. Đã gần 3 năm rời ngành nhưng tôi nghĩ lại vẫn sợ. Nhưng tôi trân trọng quãng thời gian đó nó làm người ta thanh đổi rất nhiều. Đúng là chỉ có học hành chúng ta mới làm chủ bản thân, nếu còn có thể đi học có thể tích lũy kiến thức thì đừng ai từ bỏ", bạn Q.L bày tỏ.
Theo Diệp Hạ, đi học tiếp là bước đệm nhẹ nhàng nhất để tiếp xúc với xã hội
Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng cho biết dù không làm công việc đúng với chuyên ngành mình đã theo học suốt 4 năm Đại học nhưng bản thân cũng chưa bao giờ hối hận về sự lựa chọn của tuổi trẻ.
"Mình đây cũng đã đi làm công ty sau khi học xong đại học. Cũng từ công nhân để lên đến tổ trưởng. Rồi giờ nghỉ và đang bôn ba xứ người. Dù bằng đại học vẫn xếp gọn 1 chỗ nhưng mình chưa bao giờ tiếc thời gian học đại học, vì học đại học khồn chỉ là học kiến thức, mà học được nhiều điều mà khi ra đời sẽ thấy rất hữu ích. Ít nhất cách nhìn người và cư xử giữa người với người cũng khách quan hơn hẳn. Vậy nên có điều kiện hay đầutư cho sự nghiệp học hành, nó không chỉ là những kiến thức sáo rỗng mà nó là vốn sống, là cách đối nhân xử thế và sẽ giúp mỗi người trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ lẫn hành động", bạn B.M chia sẻ quan điểm.
Bên cạnh đó, quan điểm của Diệp Hạ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều cho rằng đi học chưa hẳn là con đường ngắn nhất để đi đến thành công. Nó có thể đúng với người này nhưng không phù hợp với người khác, còn tùy vào năng lực của bản thân mỗi người.
Bởi thế mà, khi vẫn còn trẻ là lúc chúng ta có sức khỏe, có thời gian, có năng lực, có thể sống theo ý muốn của mình, tự do trải nghiệm, thật sự là một điều quá đỗi tuyệt vời. Đừng tin những lời như “dành cả đời để học” hay tuổi trẻ phải chơi nếu không về già sẽ hối hận bởi thanh xuân tuổi trẻ của chúng ta không nhiều nên hãy dành thời gian để trải nghiệm, học hỏi và trang bị hành trang tốt nhất để bản thân không là cái máy rập khuân theo công việc.
Nam An
Theo Helino/Trí Thức Trẻ