Bhutan chắc chắn không phải là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới - trong bảng xếp hạng vài năm gần đây - thế nhưng, một khi nhắc tới các quốc gia có chỉ số hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống cao, người ta lại luôn nghĩ tới Bhutan chứ không phải bất cứ nơi nào khác. Lý do là vì...
Đối với nhiều người trên thế giới, hạnh phúc không được được đo đếm bằng tiền bạc. Quả thực như vậy, các siêu cường trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc đều hiếm khi đạt được thứ hạng cao khi người ta cân nhắc một bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, và bản thân đất nước hạnh phúc nhất thế giới lại không phải là một nước phát triển. Quốc gia này dường như không hề biết tới ngày Quốc tế Hạnh phúc khi mà bản thân mỗi người dân đều đã cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của chính mình.
Chúng ta đều biết, quốc gia đang được nhắc đến tại đây là Bhutan.
Người ta luôn nghĩ tới cái tên Bhutan khi nói về các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Cho tới cách đây vài tháng, Việt Nam đã soán ngôi Bhutan để đạt vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Thế nhưng, sự soán ngôi của Việt Nam dường như chưa tạo được ấn tượng đủ sâu đậm tới bạn bè thế giới, khi mà vào bất cứ thời điểm nào một bảng xấp hạng chỉ số hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống được dựng nên, người ra đều nghĩ tới Bhutan đầu tiên. Có thể, người dân Bhutan không còn "hạnh phúc" như người Việt Nam, Phần Lan hay Đan Mạch, nhưng cái cách mà người dân ở nơi đây mưu cầu hạnh phúc thì luôn khiến các quốc gia trên thế giới phải ngưỡng mộ.
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của đất nước nhỏ bé này là một trong những lý do quan trọng làm người dân Bhutan luôn hạnh phúc.
Không có một nền kinh tế phát triển, Bhutan thậm chí có thể được coi là một nước nghèo. Trong khi cả thế giới lựa chọn chỉ số GDP (Gross Domestic Products – Tổng sản phẩm quốc nội) làm thước đo thịnh vượng và phát triển, thì riêng tại đất nước này, chỉ số đó bị loại bỏ thay vào đó là GNH (Gross National Happiness- Tổng hạnh phúc quốc dân). Không giao thương nhiều với nước ngoài, chế độ kinh tế phần nhiều là tự cung tự cấp, người dân Bhutan tận hưởng cuộc sống của họ không phải bằng những tiện nghi tân tiến mà bằng cách đứng tách biệt khỏi văn minh nhân loại.
Cho tới trước năm 1974, nhiều người không biết đến cái tên Bhutan
Đất nước nhỏ bé này nằm lọt thỏm giữa vùng rừng núi trập trùng của dãy Himalaya. Trước năm 1974, Bhutan là một quốc gia nội bất xuất ngoại bất nhập, khi mà người nước ngoài không được phép nhập cảnh vào còn người trong nước thì không có điều kiện xuất cảnh - không khác gì lắm với vương quốc tưởng tượng Wakanda. Và nếu như Wakanda có một nền văn minh cực thịnh thì Bhutan lại phủ ngập trong màu xanh của thiên nhiên, ngay cả thủ đô Thimphu là đô thị lớn nhất cả nước cũng chìm trong màu xanh của thiên nhiên.
Cho tới trước năm 1974, nhân loại dường như chưa biết gì nhiều về Bhutan.
Hơn 30 năm sau, Bhutan vẫn chọn cách đứng bên lề của văn minh nhân loại. Là quốc gia cuối cùng trên thế giới có... sóng vô tuyến truyền hình vào năm 1999, cho tới thời khắc mà cả nhân loại hoảng loạn với sự kiện thảm họa công nghệ Y2K thì người dân Bhutan mới bắt đầu biết tới chiếc TV, và đó không thể coi là một sự thiếu thốn nếu như trước đó bạn chưa từng có được nó. Người dân Bhutan trân trọng thứ mà họ được tận hưởng chứ không so đo xét đoán với thế giới bên ngoài, kể cả là khi họ đã biết có một thế giới khác ở bên ngoài kia.
Cả đất nước chỉ có một sân bay
Cũng không quá ngạc nhiên, khi mà đất nước này nằm quá sâu trong lòng rừng rậm và núi non trùng điệp, vào thời điểm những năm 2000, cả thế giới chỉ có đúng 8 phi công đủ bản lĩnh để hạ cánh xuống sân bay Bhutan. Nhiêu đó thôi đã đủ để nói về tình trạng giao thương của đất nước này.
Sân bay duy nhất ở Bhutan, nằm cách thành phố Paro 6km, lọt thỏm giữa những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả.
Bản thân chính phủ Bhutan cũng chủ trương không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó, họ duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân, không "đô thị hóa", không "hiện đại hóa", chú ý vào chất lượng cuộc sống và các giá trị tinh thần. Vào năm 1971, quốc gia này đã sử dụng một chỉ số có một không hai để đo lường chất lượng cuộc sống, đó là chỉ số tổng... hạnh phúc quốc gia GNH, thay vì tổng sản phẩm nội địa GDP.
Đất nước của đạo Phật và những giáo lý thanh tịnh
Ở Bhutan, những tu viện Phật giáo nằm ở khắp nơi, nhẹ nhàng ẩn mình trong làn khói gương trầm mặc. Những bóng áo cà sa đỏ có ở khắp mọi nơi, những khung cửa được chạm trổ cầu kỳ của các mái chùa và mùi hương trầm thơm phức luôn là khung cảnh hấp dẫn khiến bất cứ khách du lịch nào cũng muốn một lần tìm về nơi đây để gột rửa mọi vướng bận trong lòng, để được lắng nghe tiếng chuông chiều mà mọi mái chùa cùng đánh, để được các giáo lý bình yên của nhà Phật soi sáng tâm can.
Những tấm áo cà sa đỏ thắm dường như có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu tại Bhutan.
Ở đất nước này, đạo Phật là quốc giáo và có vai trò quan trọng rất quan trọng. Vào đám cưới của vua Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck với người vợ Jetsun Pema vào năm 2011, ngay bản thân Quốc vương cũng phải nhờ đến sự ban phước của hội Phật Giáo Bhutan, đồng thời gần như tất cả các gia đình cho tới mọi người dân ở quốc gia này đều có một sự tôn sùng đặc biệt với các đấng Lạt Ma. Khi bạn sống trong một quốc gia mà mọi mưu cầu về vật chát dường như đều bằng không, người dân hàng ngày chỉ cần đủ ăn, đủ sống và dành hết tâm can hướng về cõi thanh tịnh thì khó có thể không hạnh phúc cho được.
Chùa chiền và các tu viện Phật giáo là một nét đẹp đặc biệt mà khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới - ngoại trừ Bhutan.
Thiếu thốn, nhưng hạnh phúc
Một số nghiên cứu cho thấy, bằng cách nghĩ về cái chết một cách thường xuyên, người dân Bhutan sẽ đạt được… hạnh phúc. Điều này là hợp lý, khi mà ở một đất nước xa xôi và hẻo lánh như thế này, người ta thường dễ dàng phải đối mặt với tử thần. Ai cũng có thể mất mạng trên những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở hoặc bị gấu vồ, ăn nhầm nấm độc... Giáo lý đạo Phật thấm nhuần vào từng người dân ở nơi đây khiến cho mọi người tin rằng, cuộc sống ở cõi Niết Bàn hạnh phúc sẽ bắt đầu sau khi người ta ra đi; hình ảnh về cái chết xuất hiện ở mọi nơi, trong các bức tranh, những tấm bích họa, ở các nghi lễ dân gian truyền thống. Do đó, khi y tế chưa thực sự phát triển khiến cho các vấn đề về sức khỏe người dân không được đảm bảo (nhưng người dân vẫn khỏe mạnh đến ngạc nhiên và các bác sĩ thì thất nghiệp khá nhiều), người Bhutan vẫn cứ vui vẻ và hạnh phúc, một sự hạnh phúc giản đơn mà không mấy quốc gia có được.
Cái chết thường xuyên xuất hiện trong các nghi lễ ở Bhutan và thậm chí còn có phần "vui vẻ, thanh nhã".
Đến cái chết cũng không làm người dân Bhutan sợ hãi, vậy thì làm gì còn thứ gì khiến người dân nơi đây buồn rầu cho được?