Hai tấm gương về người khuyết tật là cô Dương Phương Hạnh - Sáng lập/Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người Khiếm Thính (CED) và anh Đặng Hoài Phúc - Giám đốc Trung tâm Vì Người Mù Sao Mai đã chia sẻ những câu chuyện của mình và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.
Đây là nội dung của buổi tọa đàm “Công nghệ thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới”.
Toạ đàm đã diễn ra vào sáng 12.1 tại Không gian chia sẻ S.hub, Thư viện tổng hợp TP.HCM, và là một phần quan trọng trong chuỗi hoạt động “Hành trình truyền cảm hứng” của công ty điện tử Samsung Vina. Với những khách mời là các bạn trẻ đến từ các trung tâm khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh, buổi tọa đàm không chỉ là nơi để các bạn có thể chia sẻ về hành trình của bản thân, mà còn là cơ hội để mọi người gặp gỡ, động viên nhau để tiếp tục vượt qua những khó khăn phía trước, để sống trọn vẹn với những gì mình tin tưởng.
“Tuyệt đối đừng giới hạn ngành nghề cho mình”
Anh Đặng Hoài Phúc bị khiếm thị từ năm 9 tuổi. Vượt qua mọi rào cản, anh tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn Anh tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau 18 năm làm việc với người khiếm thị, anh Phúc chia sẻ: “Việc tự giới hạn ngành nghề sẽ khiến người khuyết tật bỏ qua nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống”.
“Chúng ta có thể làm được mọi thứ, chỉ cần có quyết tâm và ước mơ!”
Anh Đặng Hoài Phúc đã biên soạn bộ giáo trình tin học đầu tiên cho người khiếm thị ở Việt Nam và là người sáng lập thư viện sách nói kỹ thuật số (một dự án đạt giải thưởng DigitAll Hope của Samsung). Anh Phúc tin rằng, khi được truyền cảm hứng học hỏi và có đủ quyết tâm, người khuyết tật có thể làm được mọi việc.
Cô Dương Phương Hạnh động viên cộng đồng người khuyết tật sống lạc quan và tích cực hơn
“Tôi không muốn thế giới bỏ quên mình, nên tôi phải nỗ lực nhiều hơn”
Cô Dương Phương Hạnh bị khiếm thính từ năm 6 tuổi. Tại toạ đàm, cô kể lại câu chuyện nhiều năm về trước khi kỹ năng đọc tín hiệu môi của cô còn kém. Lúc này, cô giao tiếp chưa được trôi chảy và bỏ sót nhiều thông tin quan trọng. Để khắc phục điều này, cô cố gắng luyện “nghe” thật nhiều và hiện tại, cô tự tin giao tiếp như một người bình thường.
“Nếu bạn không cố gắng mỗi ngày, bạn sẽ tự đào thải chính mình!”
Khi đang là kỹ sư hoá, cô Dương Phương Hạnh nhận ra rằng, so với những đồng nghiệp, cô thua kém về tiếng Anh và tin học. Không muốn bị công ty đào thải, cô nỗ lực trau dồi tiếng Anh, tập luyện dịch tài liệu, tự mày mò học Word, Excel… Cô Phương Hạnh nhắn nhủ đến những bạn trẻ, hãy luôn cố gắng, đừng để bản thân mình bị tụt hậu.
Những chia sẻ của cô Dương Phương Hạnh và Đặng Hoài Phúc truyền cảm hứng cho những người khuyết tật, giúp họ có thêm động lực vượt qua mọi rào cản
“Người khác làm được, tôi làm được, thì các bạn cũng có thể làm được”
Cô Dương Phương Hạnh cho rằng, những người khuyết tật cần cảm hứng học hỏi mạnh mẽ gấp nhiều lần người bình thường. Cô có thể xem ti vi, nghe nhạc, học ngoại ngữ, tham gia các hoạt động quốc tế thì các bạn cũng có thể vượt qua rào cản và làm được những điều đó. Bất cứ khi nào thấy nản lòng, hãy nhìn vào những tấm gương nghị lực để được tiếp thêm sức mạnh.
Các bạn trẻ chăm chú lắng nghe những lời chia sẻ đầy cảm xúc tại tọa đàm
“Công nghệ rút ngắn khoảng cách giữa người khuyết tật với thế giới”
“Công nghệ đã không bỏ quên người khuyết tật. Với sự giúp sức của các thiết bị và phần mềm, khoảng cách giữa chúng ta với thế giới được thu hẹp”. Lời chia sẻ của anh Đặng Hoài Phúc giúp những người có mặt tại tọa đàm có thêm động lực để cố gắng vượt qua rào cản, hướng về tương lai tốt đẹp hơn.
Bên cạnh buổi tọa đàm đong đầy cảm xúc, chương trình còn mang đến nhiều hoạt động ý nghĩa khác như triển lãm thực tế ảo “Bên trong Sơn Đoòng- Hang động lớn nhất thế giới”, triển lãm ảnh “Hành trình truyền cảm hứng”, và các trò chơi nghệ thuật của nhóm Toa Tàu. Hành trình đã thực sự truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, giúp các bạn tự tin hơn để vượt qua những trở ngại, hiểu được giá trị của bản thân, và lan tỏa vai trò của công nghệ đến cộng đồng.