Bất kể nắng mưa, ngày nào dọc theo hàng me trên đường Trần Phú ở TP.Bạc Liêu (Bạc Liêu) luôn có hơn chục người kê giấy lên bắp đùi viết đơn thuê cho những người ít học.
Cụ ông 70 tuổi ngồi đối diện UBND TP.Bạc Liêu ít khi chịu nói tên thật của mình nên mọi người quen gọi ông là "luật sư Bảy". Gần 40 năm trước, ông cùng gia đình từ miền Bắc vào Bạc Liêu lập nghiệp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Từng là cán bộ xã, hàng ngày ông Bảy đi bộ chưa đầy 5 phút từ nhà (cạnh khu dinh thự Công tử Bạc Liêu) ra hàng me dưới cầu quay để kê ghế ngồi uống cà phê một mình chờ khách.
Với lá đơn xin bảo lãnh này, cụ Bảy chỉ lấy tiền công 20.000 đồng.
Nửa giờ sau, một phụ nữ 40 tuổi ở ấp Trà Khứa, xã Long Thạnh (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) hớt hải chạy đến nhờ "cứu con tôi luật sư ơi". Ông Bảy chăm chú nghe khách kể việc đêm hôm trước cậu con trai 17 tuổi đi chơi với thanh niên cùng xóm và người này trộm xe máy khiến con chị bị tạm giữ. Ngoài việc hướng dẫn người mẹ phải đề nghị công an cho giám hộ con trai chưa thành niên lúc lấy lời khai, cụ hỏi họ tên chị với những người liên quan rồi rút tờ giấy trắng kê lên bắp đùi viết đơn xin bảo lãnh.
"Tờ đơn này mất khoảng 15 phút, tôi nhận 20.000 đồng. Đơn dài, mất thời gian nghiên cứu hồ sơ 1-2 giờ, thù lao cao nhất cũng chỉ 40.000-50.000 đồng", cụ Bảy cho biết.
Theo ông cụ này, khách hàng đa số là bà con nông thôn, ít học, nghèo khó. Vì vậy, dù đơn có dài 3-4 trang giấy hay mất cả đêm nghiên cứu tài liệu liên quan nhưng chưa bao giờ ông lấy công trên 100.000 đồng. Không ít người có cuộc sống khó khăn đến nhờ ông viết đơn xin cứu xét, giảm đóng phạt, xin cấp sổ hộ nghèo… đều được ông Bảy miễn phí hoặc chỉ nhận 5.000-10.000 đồng tượng trưng.
Đặc biệt, những trường hợp khách thuê viết đơn ly hôn hoặc tố cáo người khác, cụ thận trọng tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn và những phát sinh trong cuộc sống khiến các bên "trở mặt" nhau. Với khách muốn ly hôn, đầu tiên ông khuyên giải để giúp vợ chồng hàn gắn tình cảm, chung tay lo cho các con và chỉ đặt bút viết khi "hết đường binh".
"Đơn tố cáo, kiện tụng gây mất lòng nhau tôi thường từ chối vì không muốn châm dầu vào lửa. Đã làm nghề này phải nguyện với lòng không vì vài chục ngàn đồng mà làm chuyện thất đức", cụ Bảy chia sẻ.
Theo những cụ cao niên, nghề viết đơn thuê dưới hàng me trên đường Trần Phú, TP.Bạc Liêu đã tồn tại trước giải phóng và duy trì đến nay.
Cách đó vài bước chân, ông Mai Hòa Hiệp đang hướng dẫn một nông dân đến từ huyện Ngã Năm (Sóc Trăng) đi sao y bản chính các giấy tờ kèm theo đơn giám đốc thẩm một vụ tranh chấp đất đai liên quan đến thân tộc. Vụ việc kéo dài nhiều năm, hồ sơ khách hàng mang theo đầy cả giỏ. Trường hợp này ông Hiệp cho biết thù lao phải từ 200.000 đồng trở lên vì tốn nhiều thời gian nghiên cứu tất cả tài liệu để viết sao cho thấu tình đạt lý. Với những đơn thông thường liên quan đến giấy tờ hộ tịch, mua bán đất đai, tranh chấp tài sản, ông Hiệp cũng chỉ thu 30.000-100.000 đồng/đơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, không ít người nhờ ông Hiệp viết đơn đã thắng kiện nên khách hàng của "luật sư" quê tận thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) này không chỉ ở Bạc Liêu mà có cả Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang. Chăm chỉ với nghề, hàng ngày ông Hiệp vượt 30 km từ nhà ra phố hàng me dọc theo đường Trần Phú, TP.Bạc Liêu để tư vấn pháp lý cho hơn chục người, thu nhập bình quân 400.000-500.000 đồng/ngày.
Các cụ cao niên ở Bạc Liêu cho biết, nghề viết đơn thuê trên đường Trần Phú tồn tại trước giải phóng. Nửa thế kỷ qua, đoạn đường chỉ khoảng 200 m này luôn có khoảng chục "luật sư vỉa hè" hay "luật sư gốc cây me" nhưng không ai có máy tính hoặc bàn làm việc mà chỉ kê giấy lên bắp chân để viết. Những người lớn tuổi qua đời, thế hế sau tiếp tục nối nghề để kiếm những đồng tiền chân chính nuôi con cháu ăn học thành tài giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển.
Theo lãnh đạo TP.Bạc Liêu, những người này đa số là thầy giáo, cán bộ nghỉ hưu. Họ chịu khó tìm tòi kiến thức pháp luật qua sách báo, xem đài, nghiên cứu các bộ luật nên khá vững kiến thức để viết đơn. Đặc biệt, chị phụ nữ ép dẻo và bà bán xăng lẻ gần dốc cầu quay cũng được nhiều người tin tưởng, nhờ chấp bút cho ra những tờ đơn súc tích hoặc viết thư gửi bạn bè.
Chị Ngọc (34 tuổi, ngụ huyện Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết nguyên nhân tìm đến phố hàng me nhờ người viết đơn vì ngại tìm văn phòng luật sư hay trung tâm tư vấn pháp lý tốn nhiều thời gian. Theo chị, năm trước có việc chị nhờ văn phòng làm đơn chỉ nửa giờ đã mất đến 400.000 đồng. Được bạn bè hướng dẫn, từ đầu năm đến nay chị chỉ ghé phố hàng me nhờ "luật sư vỉa hè" viết đơn mỗi lần chỉ tốn 20.000-30.000 đồng, lại nhanh chóng.
Ông Hiệp cẩn thận xem tài liệu khách hàng cung cấp để viết cho thấu tình, đạt lý.
Theo ông Dương Phương Nam, Chủ tịch UBND TP.Bạc Liêu thì những người làm đơn chủ yếu viết theo trình bày và yêu cầu của người thuê. Đó là những nông dân vùng sâu, vùng xa không rành thủ tục, mỗi lần lên TP.Bạc Liêu gửi đơn cho các cơ quan chức năng đã tìm đến phố hàng me khi được thông báo phải bổ sung thêm các thủ tục cần thiết.
"Không phải người nào cũng có khách mỗi ngày. Chúng tôi cử cán bộ giám sát và ghi nhận họ là người viết đơn, thư đơn giản theo yêu cầu để mưu sinh chứ không làm gì vi phạm pháp luật", người đứng đầu chính quyền TP.Bạc Liêu khẳng định.