Trên thế giới, giá các sản phẩm chưng cất như dầu diesel, dầu hoả tăng vọt trên thị trường và vượt qua giá xăng. Trang Reuters dẫn dữ liệu của AAA Gas Prices cho biết, năm ngoái người Mỹ phải trả bình quân 3,8 USD một gallon (khoảng 3,78 lít) xăng; dầu diesel là 3,29 USD một gallon. Hiện giờ giá đã đảo ngược, khi người Mỹ phải trả tới 5 USD cho mỗi gallon dầu diesel, cao hơn 0,5 USD so với xăng (trung bình 4,5 USD một gallon).
Việc giá xăng tăng quá cao trong một năm qua đã khiến người tiêu dùng Mỹ, châu Âu chuyển từ sử dụng xe cá nhân chạy xăng, sang các phương tiện công cộng để tiết kiệm chi tiêu trong bối cảnh lạm phát leo thang. Còn mặt hàng dầu là mặt hàng thường dùng trong sản xuất công nghiệp, vận tải, nông nghiệp thực phẩm... nên khó thay thế hay cắt giảm.
Đáng nói là nhu cầu trữ, tăng mua nhiên liệu (chủ yếu là dầu) dành cho mùa đông sắp tới của người dân các nước (châu Âu, Mỹ...) cũng khiến nhu cầu tiêu thụ về dầu tăng mạnh, khiến giá mặt hàng này đi lên. Trong khi đó, nguồn hàng dự trữ trong kho và nguồn cung từ các nhà máy lọc dầu... lại sụt giảm sau đại dịch.
Mới đây, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu toàn cầu đã đưa ra một quyết định cắt giảm sản lượng vào thời điểm thị trường năng lượng thế giới đang chìm trong hỗn loạn. Theo đó, OPEC+ đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu sẽ không có tác động quá lớn tới cán cân cung cầu trên thị trường dầu toàn cầu nhưng động thái này cho thấy ý định giữ giá dầu của OPEC+. Nếu OPEC+ quyết tâm giữ Giá dầu trên 90 USD/thùng, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái do giá năng lượng quá cao.
Bên cạnh đó, châu Âu đang trên bờ vực suy thoái do chi phí năng lượng tăng mạnh vì ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô trên toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, số liệu kinh tế yếu đi của Trung Quốc và Chính sách "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) của nước này đã làm gia tăng lo ngại về nhu cầu.
Ở châu Á, trang Bloomberg đánh giá nhu cầu về dầu diesel cũng đang tăng kỷ lục khi tồn kho sản phẩm chưng cất này cũng đang ở mức thấp. Cụ thể ở khu vực Đông Nam Á, theo số liệu từ Global Petro Price cập nhật đến ngày 29/8, ngoài Việt Nam còn có 4 quốc gia cũng có ghi nhận xu hướng bán lẻ nhiên liệu tương tự, gồm Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore.
Cũng theo đơn vị thống kê này, tính đến cuối tháng 8, giá bán lẻ xăng tại Việt Nam vẫn ở mức gần như rẻ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, giá xăng của Việt Nam (1,077 USD/lít) đang thấp hơn nhiều so với giá xăng của Campuchia (1,288 USD/lít), Thái Lan (1,259 USD/lít), Philippines (1,308 USD/lít), Lào (1,706 USD/lít), Indonesia (1,163 USD/lít) và Singapore (1,960 USD/lít). Duy nhất Malaysia là quốc gia có giá bán lẻ xăng thấp hơn Việt Nam với mức 0,457 USD/lít.
Đối với mặt hàng dầu diesel, số liệu của Global Petro Price cho biết giá bán lẻ tại Việt Nam cũng ở mức thấp trong khu vực. Trong đó, giá dầu diesel tại thị trường Việt Nam vào khoảng 1,023 USD/lít, thấp hơn giá bán lẻ tại Campuchia (1,215 USD/lít), Philippines (1,320 USD/lít), Lào (1,237 USD/lít), Indonesia (1,295 USD/lít) và Singapore (1,967 USD/lít).
Hai quốc gia có giá dầu diesel rẻ hơn Việt Nam là Malaysia với 0,479 USD/lít và Thái Lan với 0,962 USD/lít.
Ở Việt Nam, trong kỳ điều hành ngày 5/9, dầu diesel và dầu hoả tăng lên 25.180-25.440 đồng một lít, trong khi xăng 23.350 - 24.230 đồng/lít. Có thể thấy, giá mặt hàng dầu lần đầu tiên cao hơn cả giá xăng. Theo liên bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hoả trong nước có thể còn tăng cao hơn nhiều mức 1.400 đồng hôm qua nếu không sử dụng các công cụ bình ổn.