Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 36.000 người trưởng thành, độ tuổi trung bình là 62 và đưa ra kết luận trên. Ảnh tư liệu: Getty
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngồi hơn 9 tiếng rưỡi mỗi ngày làm tăng nguy cơ chết sớm. Việc thường xuyên vận động dù với bất cứ cường độ nào cũng làm giảm nguy cơ tử vong sớm. Những người vận động tích cực nhất thì nguy cơ chết sớm giảm tới 70%.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ hơn 36.000 người trưởng thành với độ tuổi trung bình là 62. Nghiên cứu đã phân loại mức độ hoạt động của những người tham gia từ vận động ít nhất cho đến vận động nhiều nhất.
Gần 6% số người tham gia đã chết trong thời gian theo dõi trung bình là 5,8 năm. Những người ít vận động nhất có tỷ lệ tử vong cao gấp 5 lần so với những người vận động nhiều nhất.
Giáo sư Ulf Ekelund đến từ trường Khoa học Thể thao Na Uy tại Oslo, đơn vị đứng đầu nghiên cứu. Một báo cáo về nghiên cứu cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cung cấp bằng chứng khoa học rõ ràng rằng mức độ hoạt động thể chất cao hơn, dù ở cường độ nào, và thời gian ngồi một chỗ ít hơn có liên quan tới việc giảm nguy cơ tử vong".
Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này cung cấp dữ liệu quan trọng cho các chiến dịch y tế cộng đồng, chỉ ra thông điệp nên là "ngồi ít hơn và di chuyển thường xuyên nhiều hơn".
Các nhà khoa học đã sử dụng gia tốc kế, thiết bị theo dõi khối lượng và cường độ hoạt động trong khoảng thời gian người đó thức để đo hoạt động của họ trên mỗi phút. Cường độ hoạt động được phân tách thành nhẹ, vừa phải và mạnh. Hoạt động có cường độ nhẹ bao gồm đi bộ chậm hoặc nấu nướng. Hoạt động cường độ trung bình là đi bộ nhanh, hút bụi hoặc cắt cỏ, cường độ mạnh là chạy bộ và mang vác nặng.