"Sau khi từ chức là thời gian để tôi có thể suy nghĩ nhiều hơn về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc lập lại trật tự vỉa hè", ông Đoàn Ngọc Hải viết.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Đoàn Ngọc Hải trong lần ra quân dẹp vỉa hè. Ảnh: NLĐ |
Theo thông tin trên Người lao động, Tri thức trực tuyến, chiều ngày 8/1, đại diện UBND quận 1 (TP.HCM) xác nhận việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND quận này, đã nộp đơn xin từ chức.
Trong đơn từ chức ông Hải gửi lên Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM, Ban thường vụ quận 1, HĐND quận 1 trình bày, từ tháng 3/2016 ông Hải được phân công phụ trách lĩnh vực đô thị - một vấn đề đã tồn tại hàng mấy chục năm nay không giải quyết được.
Trong quá trình đảm nhận nhiệm vụ này ông đã triển khai thực hiện công tác lập lại trật tự lòng lề đường của Quận 1. Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa trong cả nước, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá tốt và chỉ đạo các địa phương thực hiện, bộ mặt đô thị Quận 1 đã thay đổi căn bản, được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra rằng: “Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỉ của các chủ bãi xe ô tô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó.
Là người cán bộ Đảng viên, tôi đã kiên định vượt qua mọi khó khăn, sự đe dọa chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến tính mạng của bản thân và gia đình từ phía các đối tượng bị mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”.
Cuối cùng ông Đoàn Ngọc Hải đã viết: “Nhìn nhận lại, tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí Lão thành cách mạng là sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề này, vì thế tôi xin từ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, xin thôi Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy Quận 1, thôi tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quận 1 và xin thôi Đại biểu Hội đồng nhân dân Quận 1”.
Theo ông Hải, sau khi từ chức là thời gian để ông có thể suy nghĩ nhiều hơn về ông sẽ có thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo” trong công việc lập lại trật tự vỉa hè.
Trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh niên sau khi nộp đơn xin từ chức ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Tôi vẫn còn khát vọng làm việc, cống hiến nhưng lực bất tòng tâm”.
Nói thêm về quy trình giải quyết việc ông Hải từ chức, một lãnh đạo UBND Q.1 thông tin: “Anh Hải vẫn đang làm việc bình thường. Anh Hải mới nộp đơn xin từ chức thôi, chứ chưa hẳn là nghỉ việc luôn. Do đó cũng có thể có nhiều hướng, bởi anh Hải cũng có thể được phân công nhiệm vụ khác. Việc phân công do tổ chức quyết định vì anh Hải là đảng viên”.
Sau động thái nộp đơn từ chức của ông Hải, phản ứng của dư luận rất đa dạng, nhiều ý kiến tỏ ra tiếc nuối một cán bộ năng nổ, thẳng thắn, nhiệt huyết, nhiều ý kiến cho rằng ông đã chọn sai chiến thuật nên đành phải chấp nhận thất bại. Có ý kiến đồn đoán cho rằng, đằng nào ông Hải cũng sẽ không còn ở chức vụ đó nên từ chức ở thời điểm này là một nước cờ cao.
Cho dù thế nào, việc ông Hải viết một lá đơn từ chức cũng thể hiện rõ tư cách của ông, dám nói dám làm và giữ đúng lời hứa với người dân (ngày 20/2/2017 trước nhân dân và đoàn công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị, ông Hải từng tuyên bố: “Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng”). Điều này đáng để cho nhiều cán bộ phải học tập. Bởi chúng ta đã gặp nhiều trường hợp cán bộ không dám chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì, hễ có sự cố xảy ra thì đổ vấy cho người khác, cho hoàn cảnh, suốt đời ôm lấy chiếc ghế để bám vào quyền lực, không bao giờ dám thả ra.
Ông Đoàn Ngọc Hải dù từ chức vì cô đơn, không có người ủng hộ phương pháp làm việc quyết liệt của ông hay vì bất lực trước các mối quan hệ chằng chịt khiến ông bị trói chân trói tay không thể dẹp được vỉa hè, thì đó cũng là một hành động đáng trân trọng.
Đức Hòa (tổng hợp)