Liên quan đến clip nhóm ngư dân sát hại cá heo ở Phú Quốc gây xôn xao dư luận, theo luật sư, tùy theo tính chất mức độ mà các ngư dân có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhóm ngư dân bắt được con cá heo, sau đó cắt đầu, mổ bụng khiến cư dân mạng phẫn nộ. Sự việc được cho là thuộc huyện đảo Phú Quốc. Ngay sau đó, nhóm thanh niên đi trên tàu cá này đã ngồi lên mình cá heo đùa giỡn rồi dùng dao cắt đầu, mổ bụng con cá này để làm thịt.
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội dẫn Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì Họ Cá heo – Delphinidae, cụ thể là loài Cá heo trắng Trung Hoa thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
"Như vậy, nhà nước ta đã nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức có hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, trừ những trường hợp để phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo nguồn giống ban đầu và phải có giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật", ông Thơm nói.
Nhóm ngư dân sát hại cá heo trên tàu - Ảnh: Facebook |
Cũng theo luật sư Thơm, để có căn cứ xử lý hành vi xẻ thịt cá heo của nhóm ngư dân đi trên tàu thì các cơ quan chức năng buộc phải thu giữ được các vật chứng là bộ phận cá heo để làm căn cứ giám định thuộc họ cá heo nằm trong danh mục được ưu tiên bảo vệ.
"Mặc dù cá heo đã chết nhưng với hành vi cắt đầu, xẻ thịt cá heo thì tùy vào mức độ của hành vi, cơ quan chức năng sẽ căn cứ để xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất mức độ mà các ngư dân có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 103/2013/NĐCP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung 2009 về Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” – luật sư Thơm nhận định.
Theo nội dung vụ việc được đăng tải trên báo chí, ngày 15/11, ông Hà Thế Phong, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc, cho biết đơn vị này phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Kiên Giang đã có buổi làm việc với thuyền trưởng Trần Cao Trí (40 tuổi, ngụ khu phố 9, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) để điều tra làm rõ việc các ngư phủ đi trên tàu này đã sát hại cá heo như thông tin xuất hiện trên mạng xã hội Facebook gần đây.
Theo đó, ông Trí là con của chủ ghe Thủy Trí có số hiệu KG 93102 – TS và cũng là người trực tiếp điều khiển phương tiện trên. Sau khi nhận diện được tàu cá này, các cơ quan chức năng đã mời ông Trí đến làm việc tại trụ sở Công an thị trấn Dương Đông.
Ông Trí khai nhận vào khoảng tháng 4/2012, khi tàu đang đánh bắt cá trên vùng biển Campuchia (có hợp đồng) thì dính cá heo có trọng lượng từ 30- 40 kg. Do thấy cá heo đã chết nên 4 ngư phủ có tên là Tình, Địa, Tuấn và Khanh tham gia cắt đầu, mổ bụng rồi xẻ thịt cá đem phơi khô. Cũng do sự việc đã xảy ra quá lâu nên hiện các ngư phủ này đã đi làm ăn ở nơi khác.
Hiện các đơn vị lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Nghị định 103/2013/NĐCP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản Điều 7. Vi phạm quy định về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng: 3. Mức phạt đối với một trong các hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, có thứ hạng rất nguy cấp (CR) như sau: d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu khối lượng thủy sinh từ 30 kg trở lên. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu thủy sinh quý hiếm và sản phẩm của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này; b) Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ một tháng đến ba tháng đối với các hành vi khai thác quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thả số thủy sinh quý hiếm còn sống trở lại môi trường sống của chúng đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này; b) Chuyển giao số thủy sinh quý hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 điều này. Điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ 1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó thì bị phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Xem thêm video:
[mecloud]c7bI5c1BQQ[/mecloud]
Tiểu Phương (ghi)