Đã bước vào tuổi cổ lai hy nhưng mắt còn tinh tường, đôi tay còn khéo léo, ông Phạm Quang Xuân ngày ngày cặm cụi sản xuất ra các đôi dép cao su cho những người mua chủ yếu để bày.
Hà Nội từng có một Hợp tác xã chuyên làm dép cao su cho các chiến sỹ lên đường đánh Mỹ. Ông Phạm Quang Xuân là nhân viên làm việc tại đó. Sau năm 1975 khi hoà bình lập lại, nhu cầu dép cao su không còn nhiều nên Hợp tác xã phải giải thể.
Ông Xuân phải chuyển sang làm nghề cơ khí. Năm 1995, sau khi nghỉ hưu máu nghề nghiệp nổi lên, ông lại lôi đồ nghề ra làm vài đôi dép để đi chơi, tặng bạn bè. Dần dần có nhiều người thích ông sản xuất luôn cho khách.
Ông kể, nhiều người muốn nhớ về những điều xưa cũ, do đó dép của ông bán chạy hơn. Không chỉ khách trong nước, nhiều người nước ngoài cũng đến tận nhà ông mua.
Mối tình đầu đời của ông với một người con gái là con nhà gia đình cán bộ. Sau khi biết ông là thợ làm dép cao su người con gái đó đã thôi không yêu ông nữa vì gia đình ngăn cản.
Đến giờ dép cao su vẫn là vật dụng rất đỗi giản dị mà thân thiết đối với nhiều người.
Giờ ông Xuân đã bước qua tuổi 73, đôi mắt còn tinh tường, tay còn khỏe và khéo, cứ thoăn thoắt xén những viền, rãnh trên đế dép cao su.
Ông tâm sự, loại dép vốn đặc trưng của người Việt, phải làm thủ công mới thể hiện hết tinh hoa của người thợ. Để làm ra dép cao su ông phải cất công tìm mua lốp (chủ yếu là lốp máy bay và xe tải hạng nặng ở mỏ đã hỏng) có đủ độ dày cần thiết rồi mang về xén thành từng phần, từng đoạn. Dụng cụ của ông Xuân đều được đặt làm riêng theo yêu cầu bằng những loại thép đặc biệt bởi thợ rèn dao kéo giỏi của làng Đa Sỹ, quận Hà Đông.
Một dụng cụ chuyên dùng để tạo gờ mép đế dép tránh làm đau bàn chân.
Một đôi dép cao su làm cho trẻ con, ông Xuân đã khắc thêm hình chú tôm ngộ nghĩnh để cho bé thích thú.
Một khách hàng cho rằng dép ông Xuân làm tinh xảo đến từng chi tiết cũng như làm rất vừa với chân, đi lại thoải mái. |
Theo Lê Bích (Tri thức trực tuyến)