Rối loạn lưỡng cực, một dạng bệnh tâm thần, giúp một số người có khiếu hài hước xuất chúng, song cũng là yếu tố khiến họ dễ rơi vào tình trạng buồn, vui thái quá.
Nhiều danh hài nổi tiếng như Stephen Fry, Spike Milligan, Ruby Wax, Paul Merton và David Walliams từng nhiều lần thừa nhận rằng họ mắc các hội chứng về tâm thần. Vì thế, nhiều người suy đoán rằng cái giá của khiếu hài hước chính là nguy cơ mắc bệnh thần kinh.
Gordon Claridge, một giáo sư tâm lý thực nhiệm đã nghỉ hưu tại Anh, cùng một sinh viên thực hiện nghiên cứu về nguy cơ mắc bệnh tâm thần của những người có khiếu hài hước, Independent đưa tin.
Hai người gặp 404 nam giới và 119 phụ nữ để phỏng vấn. Những người này là diễn viên hài của các câu lạc bộ, nhà hát và các dạng tổ chức khác tại Anh, Mỹ và Australia. Những câu hỏi mà họ sử dụng trong các cuộc phỏng vấn giúp họ đánh giá 4 khía cạnh về tính cách. Các khía cạnh ấy bao gồm: những trải nghiệm bất thường (niềm tin vào thần giao cách cảm và các sự kiện siêu nhiên), sự khó khăn trong việc tập trung suy nghĩ, nỗi sợ hãi các mối quan hệ thân mật, những hành động bốc đồng và chống lại chuẩn mực xã hội.
Một diễn viên hài. Ảnh: writewhat.com
|
Kết quả cho thấy phần lớn đối tượng nghiên cứu đều cảm thấy họ có xu hướng xa rời những tiêu chuẩn của xã hội, dễ trầm cảm và buồn, vui thất thường. Đây là những biểu hiện của hội chứng rối loạn lưỡng cực (hay chứng hưng trầm cảm). Những người mắc hội chứng rối loạn lưỡng cực thường hưng phấn hoặc trầm cảm thái quá.
“Cấu trúc tính cách khác thường, với những biểu hiện giống hội chứng rối loạn lưỡng cực, có thể là yếu tố giúp con người có khả năng biến những việc bình thường thành các hành động hài hước”, hai nhà nghiên cứu nhận xét.
Hàng loạt nghiên cứu trước đây chứng minh rằng những người có khả năng sáng tạo cao thường mắc một dạng bệnh thần kinh nào đó.
Nhiều nghệ sĩ lừng danh mắc chứng rối loạn lưỡng cực đôi khi tạo ra một tác phẩm để đời. Theo một giả thuyết, đa số kiệt tác như thế đều ra đời trong các chu kỳ hưng cảm. Chẳng hạn, danh họa Van Gogh sáng tác bức tranh "Starry Night" (Đêm đầy sao) khi ông đang điều trị bệnh điên (thực chất là bệnh rối loạn lưỡng cực) tại bệnh viện.
Hội chứng rối loạn lưỡng cực thường tác động đến vùng ngôn ngữ trong não nên người bệnh suy nghĩ và nhận thức ngôn ngữ rất thoáng và khác thường. Khi giai đoạn hưng cảm xuất hiện, người bệnh tỏ ra xuất thần trong việc sử dụng điệp âm, lối dùng câu có vần điệu khiến ngôn từ của họ trở nên vô cùng phong phú. Một nghiên cứu cho thấy 38% trong số 47 nhà văn và nghệ sĩ Anh từng đoạt ít nhất một giải thưởng mắc hội chứng rối loạn lưỡng cực.
Warren Taylor - giám đốc chương trình các rối loạn tâm lý ở khoa y thuộc Đại học Vanderbilt tại Mỹ - giải thích: "Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực trải qua những giai đoạn phát triển tâm thần đầy mâu thuẫn. Đôi lúc họ cảm thấy sầu thảm và mất hết ý chí, nhưng đôi lúc họ trở nên hưng phấn quá mức trước mọi sự việc. Họ thường dồi dào năng lượng, nhiều khi không cần ngủ và có thể tiêu tiền bạt mạng".
Giới tâm lý nhất trí rằng chứng rối loạn lưỡng cực thường phát triển ở thời kỳ đầu tuổi thanh niên, với 50% các trường hợp bắt đầu trước 25 tuổi. Một số người có thể mắc chứng rối loạn lưỡng cực từ nhỏ (khoảng 5 - 6 tuổi) và phát triển đến 50 tuổi. Mọi người thường nhầm nó với chứng hiếu động thái quá và suy giảm khả năng tập trung ở trẻ.