Tin mới

Người Việt ở Nhật nói về chuyện "ăn Tết bên nội hay ngoại": Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu

Thứ ba, 20/02/2018, 19:00 (GMT+7)

Hiện nay, phụ nữ Nhật ngày đã có tiếng nói rất lớn trong gia đình và cả xã hội. Bởi vậy mà, khi nghe đến chuyện chị em Việt Nam lăn tăn ăn tết nội hay ngoại, nhiều phụ nữ Nhật không khỏi thắc mắc.

Hiện nay, phụ nữ Nhật ngày đã có tiếng nói rất lớn trong gia đình và cả xã hội. Bởi vậy mà, khi nghe đến chuyện chị em Việt Nam lăn tăn ăn tết nội hay ngoại, nhiều phụ nữ Nhật không khỏi thắc mắc.

Đã hết Tết và trên mạng xã hội, các chị em vẫn chia sẻ tâm tư về việc ăn Tết nội và ngoại của mình. Hầu như cô gái nào đều cũng ăn Tết chủ yếu bên nhà nội để lo việc bếp núc, họ vẫn mong muốn có một cái Tết như ngày xưa: quây quần bên mẹ cha những ngày đầu năm, nhưng để làm được việc đó không hề dễ dàng, đặc biệt ở những gia đình vốn khó có thể thay đổi được suy nghĩ: "Con gái lấy chồng phải theo chồng".

Vậy nên theo chia sẻ của các chị em, muốn là một chuyện nhưng không biết đến khi nào mong muốn Tết này ở nhà nội, Tết sau ở nhà ngoại mới có thể trở thành hiện thực.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 1.

Nhiều chị em Việt mong muốn được đón Tết bên nhà ngoại.

Từ mối băn khoăn của quá nhiều chị em trong ngày Tết, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi vậy chuyện ăn Tết ở các nước phát triển như thế nào và người phụ nữ trong gia đình có vai trò ra sao trong việc đó, hãy cũng nhìn vào câu chuyện của nước Nhật và Canada.

Tại Nhật, phụ nữ toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu

Người Nhật ngày xưa quan niệm rằng trách nhiệm của đàn ông là đi làm và nuôi gia đình, trách nhiệm của phụ nữ là ở nhà và nuôi con cái. Chồng đi làm về đưa toàn bộ số tiền kiếm được cho vợ, và gần như phó mặc việc nhà cho vợ, không hề đụng tay.

Dù người Nhật đã ăn Tết theo Dương lịch được 145 năm nay (từ năm 1873), thế nhưng phong tục ngày Tết của người Nhật cũng chỉ thực sự thay đổi từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai khi người Mỹ thực sự mang tư tưởng bình đẳng giới vào Nhật.

Kể cả những năm đầu sau Chiến tranh Thế giới, ngày Tết chủ yếu người phụ nữ cũng chỉ ở bên nhà chồng, chỉ về nhà bố mẹ của mình vào trước Tết hoặc sau Tết. Nhìn chung, đàn ông Nhật trước đây rất gia trưởng, phụ nữ đều phải nghe theo lời đàn ông, kể cả là việc về nhà ngoại hỏi thăm bố mẹ trong dịp Tết.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 2.

Phụ nữ Nhật trước đây luôn phải nghe lời người chồng. Ảnh: Internet.

Bà Atsuko Takahashi, một người Nhật sống tại Tokyo năm nay đã 67 tuổi cho biết, trước đây thời bố mẹ của bà, việc mẹ bà trong ngày Tết muốn về nhà nội thường phải xin phép rất kỹ lưỡng nhà chồng và thường chỉ ngoài dịp Tết mới được cho về nhà nội, hoặc hai vợ chồng sẽ phải thu xếp về nhà nội từ trước dịp Tết.

Tuy nhiên, mọi chuyện cũng dần thay đổi cùng với việc ngày một nhiều người phụ nữ được học hành, đi làm rồi mới kết hôn. Họ có trình độ và tiếng nói bình đẳng hơn rất nhiều so với chồng trong gia đình.

Hiện nay trong gia đình Nhật, đàn ông vẫn chịu trách nhiệm kiếm tiền, về nhà gần như đưa hết tiền cho vợ. Theo giáo sư Akiko Sekyia, thuộc trường đại học Japanese Woman University, Tokyo, Nhật, thông thường đa phần đàn ông Nhật hiện đại sau khi kết hôn không khác gì một đứa con trai lớn trong gia đình.

Thực tế này phổ biến đến nỗi từng có một vợ Thủ tướng Nhật thậm chí phát biểu với báo giới rằng dù chồng bà làm Thủ tướng của cả đất nước, nhưng trong mắt bà, thậm chí ông còn không biết rửa mặt sao cho thật sạch. Nửa thế kỷ trước đây, có nằm mơ người Nhật cũng không thể nghĩ phụ nữ Nhật rồi sẽ có vai trò và quyền lực lớn đến như vậy trong gia đình.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 3.

Người phụ nữ Nhật ngày càng có tiếng nói trong gia đình. Ảnh: Internet.

Người chồng trong gia đình sẽ phải chịu trách nhiệm đi làm kiếm tiền, sau đó về nộp đến 80, 90% tiền cho vợ, chỉ giữ lại chút tiền tiêu vặt, thỉnh thoảng nhậu nhẹt với bạn bè. Bởi vì người chồng đi làm suốt ngày, chỉ về nhà khi tối muộn, người phụ nữ trong gia đình sẽ là người toàn quyền quyết định việc chi tiêu, mua sắm, học hành cho con.

Tiếng nói của phụ nữ ngày một được củng cố, chồng làm gì cũng phải hỏi ý kiến vợ, từ việc mua sắm nhỏ trong gia đình cho đến mua sắm lớn. Có một số người phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi sinh con hoặc khi con đã lớn thì thậm chí còn có tiếng nói trọng lượng hơn nữa trong gia đình.

Và khi quyền lực của phụ nữ lớn hơn, họ cũng tự quyết định được việc sẽ đón năm mới như thế nào. Giờ đây, khi ngày một nhiều gia đình Nhật sống riêng, tách biệt với bố mẹ và kỳ nghỉ năm mới của người Nhật khá dài, bắt đầu từ khoảng Giáng sinh cho đến ngày mùng 3 hoặc mùng 4 của năm mới. Có nhiều công ty phải đến mùng 8/1 hàng năm mới đi làm.

Đa phần các gia đình trẻ ở Nhật hiện nay sẽ chỉ về thăm nhà nội từ dịp Giáng sinh và sau đó đón năm mới riêng tại nhà mình bố mẹ vợ hoặc nhà riêng của họ.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 4.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ ở Nhật hiện nay đón Tết tại nhà riêng, không về nhà bố mẹ. Ảnh: Internet.

Cũng không ít trường hợp ví như cô Mary Yuuta, một phụ nữ Nhật hiện đang có một con nhỏ sống tại ngoại thành Tokyo, cho biết hai vợ chồng cô thậm chí chỉ ghé qua bố mẹ chồng cho ông bà thăm cháu, nói chuyện với bố mẹ chồng khoảng ba tiếng rồi đi luôn về nhà ngoại ăn Tết cho đến hết Tết mới về. Việc ghé thăm bố mẹ chồng hay không và thăm bao nhiêu lâu hoàn toàn do phụ nữ quyết định.

Chính bởi những thay đổi này mà nhiều phụ nữ Nhật sau khi nghe đến chuyện Việt Nam tranh cãi ăn tết nội hay ngoại hay việc phụ nữ tối thiểu phải ở nhà chồng 30, mùng 1 Tết rồi mới được sang nhà ngoại, họ đều tỏ ra vô cùng kinh ngạc và khó hiểu.

Nhiều cặp đôi ở Nhật không có con, không về thăm nội ngoại mỗi dịp Tết vì sợ áp lực

Và trong xã hội Nhật ngày nay, có một xu thế khác đang nổi lên, đó chính là việc ngày một nhiều cặp đôi không có con. Có rất nhiều nguyên nhân cho việc này, ví như họ chỉ muốn sống cùng nhau, không muốn chịu gánh nặng con cái, tiền bạc bởi nuôi con ở Nhật vô cùng vất vả và tốn kém.

Có nhiều phụ nữ muốn hoàn thành việc học hành và đạt đến vị trí nhất định rồi mới có con nhưng sau đó họ nhận ra rằng đã quá muộn, họ không còn có thể có con được nữa, họ bị rơi vào cái mà giáo sư Ann Berrington, chuyên gia về nhân khẩu học tại đại học University of Southampton, Anh gọi là "những người chậm chân luẩn quẩn". Nhóm phụ nữ có học vấn cao nhất thường có tỷ lệ không có con lớn nhất.

Nghiên cứu mới được công bố bởi chính phủ Nhật cho thấy trong nhóm những phụ nữ sinh năm 1970, có đến 27% không có con cái. Trong khi đó đối với nhóm phụ nữ sinh năm 1953, tỷ lệ này chỉ ở mức 11%.

Dẫu nước Nhật là một xã hội hiện đại thế nhưng việc không có con cái cũng khiến cho cặp đôi phải gánh chịu rất nhiều áp lực, chính vì vậy mà ngày một số người trong số họ chọn cách không ghé thăm cả hai gia đình nội ngoại trong dịp năm mới. Thay vào đó họ chọn đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài để tận hưởng khoảng thời gian cho riêng mình.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 5.

Nhiều cặp vợ chồng Nhật chọn đi du lịch vào dịp Tết. Ảnh: Internet.

Vợ chồng anh Toru Hota ở tỉnh Saitama là một trong những trường hợp như vậy. Cả hai vợ chồng anh năm nay ngoài 40 tuổi, chưa có con cái và nhiều khả năng cũng sẽ không thể có con cái cho đến già.

Trước đây khi cưới nhau ở tuổi ngoài 30, vợ anh muốn học thêm thạc sỹ ngành tài chính. Sau khi học xong rồi đi làm thêm hai năm, vợ chồng anh muốn có con thì không thể có bởi tuổi đều đã cao. Mỗi lần về thăm nhà trong dịp năm mới trước đây, đối diện với một vài câu hỏi, vợ chồng anh cũng cảm thấy chạnh lòng.

Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, vợ chồng anh chọn cách đi du lịch cùng nhau suốt dịp năm mới rồi trở lại đi làm. Ví như năm mới 2018, hai vợ chồng anh chọn khu nghỉ ở Hakone, khu vực nổi tiếng nhất nước Nhật với các khu tắm onsen thiên nhiên cho kỳ nghỉ năm mới kéo dài 8 ngày rồi về nghỉ ngơi để bắt đầu năm mới.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 6.

Trước khi quay trở lại công việc, các cặp vợ chồng Nhật dành kỳ nghỉ Tết để thư giãn. Ảnh: Internet.

Ở Canada, vợ và chồng cùng nhau chia sẻ quyết định về thăm nội ngoại thế nào cho hợp lý

Tại một đất nước có nền kinh tế phát triển bậc nhất khác là Canada, người phụ nữ và người đàn ông trong gia đình sẽ cùng chia sẻ quyết định về việc sẽ đến thăm gia đình nội ngoại như thế nào?

Theo chia sẻ của chị Phương Thảo, một Việt Kiều đã sống ở Canada gần hơn 20 năm, đối với người phương Tây, dịp nghỉ Năm mới hay còn gọi là Tết của người phương Tây cũng kéo dài từ Giáng sinh cho đến khoảng ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng 1 năm kế tiếp.

Và thông thường, nhiều gia đình chọn về thăm và ăn tối cùng gia đình bên chồng hoặc bên vợ từ dịp Giáng sinh và sau đó họ về nhà riêng cùng đón năm mới hoặc cả gia đình đi du lịch.

Cũng theo chị Thảo, đối với người phương Tây khi sự độc lập với gia đình hai bên khá lớn, với hơn 20 năm sống ở Canada, chị chưa bao giờ thấy gia đình Canada nào tranh cãi nhau về việc ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại.

Đặc biệt trong những năm gần đây, cũng theo chia sẻ của chị Thảo, khi có thêm nhiều người Canada kết hôn với người Á như người Trung Quốc hay người Việt Nam, có nhiều ông chồng còn hết sức tạo điều kiện cho vợ về nước ăn Tết cùng gia đình và thu xếp đi cùng vợ ít ngày dù họ phải nghỉ phép.

Người Việt ở Nhật nói về chuyện ăn Tết bên nội hay ngoại: Phụ nữ nên được toàn quyền quyết định ăn Tết ở đâu - Ảnh 7.

Nhiều chồng Tây rất ủng hộ vợ Việt về ngoại ăn Tết. Ảnh: Internet.

Có thể thấy, trong trường hợp của Nhật và Canada như kể trên, khi xã hội ngày một phát triển lên trình độ cao, người phụ nữ ngày một độc lập hơn trong việc quyết định sẽ sử dụng thời gian kỳ nghỉ năm mới của họ và gia đình họ như thế nào.

Nhìn từ góc độ trên, dường như ở Việt Nam, việc quan niệm phụ nữ lấy chồng phải ăn Tết nhà chồng có vẻ như vẫn còn khá nặng nề. Chỉ cần mỗi người trong chúng ta thay đổi quan điểm đi một chút, chắc chắn nhiều nàng dâu Việt sẽ đỡ phải băn khoăn, day dứt về trách nhiệm làm con trong gia đình.

*Bài viết của chị Ngọc Diệp - một nhà báo Kinh tế hiện đang có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news