Tại các chợ hoa quả hoặc tại các cửa hàng, siêu thị, người tiêu dùng không khó để mua những sản phẩm hoa quả trái mùa.
Thậm chí, ngay cả những loại hoa quả chỉ có ở một vài vùng miền, theo mùa nhất định thì nay cũng tràn ngập các gian hàng. Điều khiến NTD thắc mắc là tại sao những loại hoa quả trái mùa này lại có thể chín và tươi lâu đến vậy?
Ma thuật từ giọt hóa chất lạ
Sau một thời gian tìm hiểu từ những người bán hoa quả rong trên đường Giải Phóng (Hà Nội) được biết, trên thị trường hiện nay ngoài loại bột làm tươi thịt như đã nói ở bài trước, còn có loại hóa chất có khả năng kích thích các loại hoa quả, rau mầm phát triển sớm, kích hoa quả chín trong thời gian rất ngắn.
Tiếp cận với một số cửa hàng chuyên buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở chợ Phùng Khoang, chợ Bưởi hay một số cửa hàng dọc tuyến đường 32 (khu vực Nhổn), PV nhận thấy hầu hết các chủ cửa hàng đều rất dè dặt khi PV hỏi mua loại thuốc thúc chín quả. Lý do mà họ đưa ra là đa phần những loại thuốc này đều được nhập lậu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục cho phép nên bị quản lý gắt gao. Theo lời một chủ cửa hàng, việc mua bán chúng chỉ diễn ra ngấm ngầm và cũng chỉ những khách hàng thân quen mới mua được.
Khi biết PV cần mua một lượng lớn loại thuốc có tên Etiveo có khả năng thúc hoa quả chín nhanh, một chủ cửa hàng bán thuốc BVTV tại chợ Bưởi đã cho PV địa chỉ một thương lái ở Hoài Đức (Hà Nội) chuyên đánh hàng hoa quả vào Sài Gòn. Sau một thời gian bắt mối và cam kết một số điều kiện, PV được thương lái này đồng ý chia sẻ bí quyết thúc chín hoa quả hoặc ướp xác các loại quả như táo, lê, chuối, mít tươi lâu, để hàng tháng không thối, ủng.
Qua trò chuyện, PV được biết thương lái này có biệt danh Phương chanh, là một đầu mối thu mua hoa quả lớn không chỉ ở Hoài Đức mà còn ở cả những địa bàn lân cận. Phương chanh chia sẻ: Hiện trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi; có loại thì sau khi tiêm vào hoa quả, có thể lưu lại vài tháng giúp hoa quả chống ủng, thối.
Thương lái đang hướng dẫn cách tẩm hóa chất thúc hoa quả chín |
“Vẫn biết các loại hóa chất này độc nhưng nếu chuyển hàng tấn hoa quả suốt cả một đoạn đường dài như thế lại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt thì không thể không dùng. So với các phương pháp bảo quản thủ công khác, việc sử dụng hoá chất để “tắm” cho hoa quả lại rẻ, nhanh”, Phương chanh chia sẻ.
Khi PV hỏi địa chỉ bán thuốc kích chín hoa quả có tên Etiveo, Phương chanh cho biết: “Loại thuốc này có từ lâu rồi, nó được các đầu nậu mua từ Trung Quốc về bán cho những người có nhu cầu thông qua một số cửa hàng ruột chuyên kinh doanh thuốc BVTV. Loại thuốc kích chín này được đóng trong những ống nhỏ có giá khoảng 20.000 đồng/vỉ 10 ống”.
Để chứng minh cho PV thấy Công dụng của loại hóa chất đó, Phương chanh vào kho lấy 1 vỉ thuốc và thực nghiệm với gần 1 tạ chuối xanh. Theo lời Phương chanh, chỉ cần lấy một chậu nhôm nhỏ chứa được khoảng 10 lít nước rồi dùng một lọ thuốc pha với 10 hoặc 50 lít nước. Sau đó cho táo, lê, mận, chuối vào ngâm khoảng 15 - 20 phút thì vớt ra. Ngày hôm sau số hoa quả đó nhìn tươi rói như vừa được cắt từ trên cây xuống.
Riêng với mít, sầu riêng hay những loại hoa quả có cuống lớn, muốn thúc chín hoặc làm tươi thì dùng xi lanh hút thuốc trong ống rồi tiêm trực tiếp vào cuống, để khoảng hơn 1 ngày thì trái chín vàng và có mùi thơm nồng, để được khoảng 2 tháng không hỏng.
Khi PV tỏ vẻ băn khoăn về độ an toàn của các loại quả này khi vào tayngười tiêu dùng (NTD), Phương chanh nói: “Hoá chất đã loãng, không đủ độ để gây ngộ độc đâu nên em cứ dùng vô tư đi. Vả lại nó chỉ thấm vào những bộ phận sẽ bỏ đi trước khi ăn như vỏ, cuống quả thì lo gì ngộ độc!?”.
Một chủ cửa hàng bán thuốc BVTV đang chào bán vỉ thuốc Etiveo cho PV |
Lần theo địa chỉ mà Phương chanh cho, PV dễ dàng tìm được cửa hàng có bán loại thuốc Etiveo gần chợ Hoài Đức. Theo lời chủ cửa hàng thì loại thuốc này thường được người dân mua về để rấm hoa quả vì nó thúc chín nhanh và dễ làm. Cũng theo lời chủ cửa hàng thì ngoài thuốc Etiveo, hiện nay trên thị trường cũng có nhiều loại bột phủ màu cho hoa quả được đóng trong những túi nilon nhỏ, bên ngoài là chữ Trung Quốc. Tất nhiên những loại bột này không được bày bán công khai.
Mánh lới và chiêu thức “chế” hoa quả trái mùa
Nhiều người bán hoa quả tại khu chợ ở quận Nam Từ Liêm cho PV biết: “Bây giờ sử dụng hóa chất trong bảo quản, thúc chín hoa quả đã trở nên khá bình thường tại nhiều vùng trồng rau quả. Và tất nhiên những loại hoa quả được “tắm” hóa chất này đều được đem ra chợ bán chứ người trong nhà quyết không ăn”.
Khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), chợ nông sản lớn nhất miền Bắc, trung bình mỗi ngày ở đây nhập hàng trăm tấn rau, củ quả với nhiều chủng loại như nho, táo, quýt, cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây... Từ đây, các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
PV có mặt tại chợ lúc 6h sáng, lúc này chợ đã vãn người mua buôn, phần lớn là khách lẻ và một số ít tiểu thương. Tuy đã muộn (so với lịch sinh hoạt của chợ đầu mối) nhưng những sạp hàng vẫn đầy đủ các loại hoa quả sẵn sàng phục vụ các bà nội trợ, từ dưa hấu, mận, vải thiều... cho đến những loại quả đặc sản như xoài, sầu riêng, măng cụt, cam sành...
Những loại hoa quả nhập khẩu với giá ngót triệu bạc cũng có mặt ở đây. Mỗi loại hoa quả lại có nhiều mặt hàng khác nhau như xoài cũng có 5 -7 loại, tùy thuộc vào giống, độ chín, loại quả to hay nhỏ... Dù những người mua lẻ ở chợ đầu mối phải chịu giá đắt hơn một chút so với các thương lái mua buôn, nhưng hầu hết đều hài lòng. Giá hoa quả ở đây rẻ hơn chợ cóc rất nhiều.
Dưa lê khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg, cam xanh loại 1 có giá 23.000 - 25.000 đồng/kg, dưa hấu là 6.000 đồng/kg, những loại hoa quả miền Bắc đang vào mùa như vải, giá chỉ bằng một nửa so với giá bán lẻ.
Chị H., một thương lái cho biết: “Trước đây, hoa quả trái mùa rất hiếm, giờ thì người ta xử lý cho ra hoa, quả nghịch vụ dễ như không. Nói chung ở đây quả gì cũng có, vấn đề là có tiền để buôn hay không. Những loại quả trái mùa thường chỉ có những người có vốn, có cửa hàng mới dám buôn, vì nó không bán được như hoa quả chính vụ, nhưng nếu trường vốn thì lãi lắm”. Lý giải về điều này, chị H. úp mở: “Muốn bán lúc nào là có quả chín bán lúc đó, đâu có sợ hỏng”.
Chị Phạm Anh Thư (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thật khó phân biệt hoa quả nào là an toàn và hoa quả nào có chất bảo quản. Tôi nghĩ bây giờ mua hoa quả ở siêu thị hay thương hiệu nổi tiếng cũng khó tin lắm. Cho nên, tôi chỉ chọn hoa quả rẻ tiền, theo mùa của Việt Nam như cóc, mận...”.
Chuốc bệnh vào thân Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giảng viên viện Công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội, người ta vẫn nói rằng của rẻ là của ôi, cứ tham rẻ thì chỉ chuốc bệnh vào thân. Thuốc làm trái cây mau chín thực chất là thuốc làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa etilen nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa.
|