Tin mới

Nguyên nhân Hà Nội tái ô nhiễm, xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc

Thứ ba, 24/12/2019, 15:14 (GMT+7)

Liên quan đến hiện tượng sương mù xuất hiện dày đặc ở Hà Nội, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước.

Theo ghi nhận, từ sáng sớm đến trưa 24/12, thủ đô Hà Nội chìm trong màn sương mù dày đặc, không khí đặc quánh tiếp tục ở mức nguy hại. Nhiều tòa nhà cao tầng bị sương mù "nuốt chửng", người đi đường phải bật đèn pha, nhiều người mặc cả áo mưa để chống lạnh.

Sương mù nuốt chửng nhiều toà nha cao tầng. Ảnh: GĐXH

Trước hiện tượng này, trao đổi với PV Trí thức trẻ, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho hay, sáng nay sương mù xuất hiện dày khu vực nội thành Hà Nội nói riêng và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.

Sương mù phủ kín các tòa nhà tại Hà Nội sáng 24/12. Ảnh: GĐXH

Lúc 7h sáng nay, tầm nhìn xa ước lượng ở khu vực nội thành Hà Nội phổ biến từ 300-500m.

"Đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi Không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.

Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500-1500m kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt chính là điều kiện tổ hợp để xuất hiện tình trạng sương mù như sáng nay.

Dự báo với dạng sương mù bình lưu và các điều kiện thời tiết như hiện tại, tình trạng sương mù có khả năng kéo dài đến trưa, chiều sẽ giảm nhẹ", ông Năng nhận định.

Về tình trạng ô nhiễm, sau 2 ngày chất lượng không khí tương đối tốt, từ sáng qua, Hà Nội ô nhiễm trở lại. Trong sáng nay các hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường, của Đại sứ quán Mỹ và PAMAir đều ghi nhận chất lượng không khí thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ ở ngưỡng đỏ (chỉ số chất lượng không khí AQI dao động từ 150-200, có hại cho sức khỏe tất cả mọi người).

Sáng nay (24/12), ô nhiễm không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ (nguy hại).

Còn theo hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI ở mức kém là 183.

Theo AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội hầu hết ở ngưỡng đỏ và ở mức cao từ 172-200, có hại cho sức khỏe, trong đó các điểm quan trắc ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Tô Ngọc Vân, đường Tây Hồ chuyển màu tím từ 212-275.

Theo Tiền phong, trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT phối hợp với các bộ ngành địa phương đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.

Bộ GTVT thúc đẩy giải pháp giảm phát thải từ giao thông như thúc đẩy dùng năng lượng sạch. Có biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đẩy mạnh vận tải hàng hóa đường bộ sang đường sắt và đường biển.

Yêu cầu Bộ Xây dựng đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá việc bảo vệ môi trường các công trình xây dựng. Bộ Công thương tăng cường kiểm soát các nhà máy có phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như nhiệt điện than, thép, hóa chất, phân bón hóa học.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn, triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng kế hoach, lộ trình và thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm có nguồn gốc phát thải cao ra khỏi khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung.

Thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc môi trường, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về môi trường làm cơ sở cảnh báo , khuyến cáo người dân về chất lượng môi trường không khí.

UBND các tỉnh/thành phố kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh chất thải, nhất là từ các phương tiện giao thông vận tải hoạt động các ngành công nghiệp, xây dựng, dân sinh, đảm bảo phù hợp điều kiện địa phương.

Triển khai các giải pháp cụ thể khắc phục ô nhiễm không khí trên địa bàn trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ bụi, khí thải.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news